Trưởng đặc khu Hong Kong tuyên bố đạo luật dẫn độ “đã chết”
Mặc cho tuyên bố của bà Lam, nhiều người vẫn tỏ ra không hài lòng. Đạo luật này có nội dung cho phép chính quyền Hong Kong đưa những người đang sinh sống ở thành phố này về Trung Hoa Đại lục để bị xét xử trước tòa án Trung Quốc. Nó đã khiến nhiều người xuống đường biểu tình và gây ra hỗn loạn trong nhiều ngày.
Trưởng đặc khuHong KongCarrie Lam tuyên bố đạo luật dẫn độ "đã chết". |
Vào giữa tháng 6, bà Lam tuyên bố rằng họ sẽ hoãn thực thi dự luật này. Và đến ngày 9/7, bà thừa nhận rằng “đã có những nghi ngờ về sự thành thật của chính quyền Hong Kong và những lo ngại rằng chính quyền sẽ bắt đầu xem xét dự luật này một lần nữa”. “Vì vậy tôi xin nhắc lại rằng chúng tôi không có ý định này và đạo luật đã chết”, bà nói.
Phần lớn các sinh viên đại học tham gia biểu tình đã gạt bỏ tuyên bố mới nhất của bà Lam, và rằng họ chỉ chấp nhận rút lui chừng nào dự luật này thực sự bị hủy bỏ hoàn toàn. “Điều mà chúng tôi muốn đó là đạo luật bị bãi bỏ thực sự. Bà ta lúc này vẫn đang lươn lẹo”, Chan Wai Lam William, một sinh viên Hong Kong cho biết.
Người biểu tình đã yêu cầu bà Lam từ chức trưởng đặc khu, đồng thời mong muốn một cuộc điều tra do một ủy ban độc lập thực hiện đối với những hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người biểu tình, và yêu cầu chính quyền Hong Kong không công nhận cuộc biểu tình lần này là một cuộc bạo động.
“Không dễ để một trưởng đặc khu có thể từ chức, và bản thân tôi vẫn mong muốn tiếp tục phục vụ người dân Hong Kong”, bà Lam trả lời khi được hỏi về những yêu cầu của người biểu tình. “Tôi mong Hong Kong có thể cho tôi và đội ngũ của tôi cơ hội để cho phép áp dụng phương thức điều hành mới để đáp lại mong muốn về mặt kinh tế và xã hội của người dân”.
Trưởng đặc khu Hong Kong được chọn ra bởi một hội đồng nhỏ ở chính phủ Trung Quốc và do chính phủ trung ương ở Bắc Kinh bầu chọn. Theo các chuyên gia, việc từ chức của bà Lam sẽ cần sự cho phép của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã gọi cuộc biểu tình ở Hồng Kông là sự “thách thức rõ ràng” đối với mô hình “một nước hai thể chế” mà Hồng Kông đang áp dụng kể từ khi thành phố này được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Khi được trao trả Hong Kong được Bắc Kinh hứa sẽ có quyền tự trị cao, nhưng trong những năm gần đây đã có nhiều lo ngại rằng quyền tự do của thành phố này đang bị giảm sút.