Trước khi anti vaccin đừng quên căn bệnh kinh khủng này
Hình ảnh bệnh đậu mùa |
Đậu mùa là một căn bệnh truyền nhiễm của riêng loài người, gây bởi hai dạng virus Variola major và Variola minor.
Đậu mùa gây bệnh trong các mạch máu nhỏ ở da, miệng và cổ họng. Ở vùng da, bệnh gây ra những vết ban nổi sần đỏ đặc trưng, sau đó da bị phồng giộp những vết sần chứa nước. Virus V major độc hại hơn, gây tử vong trong số 30-35% bệnh nhân. V minor gây dạng bệnh nhẹ hơn, giết khoảng 1% bệnh nhân.
Biến chứng lâu dài của việc nhiễm V major là các sẹo đặc trưng, thường là ở mặt, ở 65-85% số nạn nhân. Nạn nhân cũng có thể bị mù vì giác mạc bị sẹo. Phái nam còn có thể bị hiếm muộn. Dị hình ở các chi do chứng viêm khớp và viêm khớp xương mãn tính là biến chứng ít gặp hơn, xuất hiện ở khoảng 2-5% các trường hợp nhiễm bệnh.
90% hoặc hơn số các ca bệnh đậu mùa gặp ở những người chưa tiêm chủng thuộc loại đậu mùa thông thường. Ở dạng này, vào ngày thứ hai phát ban, vết ban sẽ biến thành nốt sần. Vào ngày thứ ba hay thứ tư, các nốt sần sẽ chứa bên trong một chất dịch màu trắng đục và trở thành mụn nước. Chất dịch này trở nên đặc và có màu đục trong vòng 24-48 giờ.
Khoảng ngày thứ sáu hay thứ bảy, mọi vết thương ở da sẽ biến thành nốt sần. Trong vòng 7 đến 10 ngày, các nốt sần sẽ phát triển và đạt kích thước tối đa. Các nốt sần nổi lên rõ, thường có hình tròn, chạm vào thấy căng và cứng. Các nốt sần ăn sâu vào lớp biểu bì, cho cảm giác đó là các hạt nhỏ nằm trong da. Chất dịch dần dần rỉ qua nốt sần, và vào tuần thứ hai, các nốt sần xẹp xuống và bắt đầu khô đi, tạo thành lớp vảy cứng. Vào ngày thứ 16 tới ngày thứ 20, lớp vảy sẽ bao phủ toàn bộ các vết thương đã bắt đầu bong ra, gây nên sẹo.
Đậu mùa thông thường hay tạo ra các vết ban riêng biệt, mà các nốt sần sau đó tách ra khỏi lớp da. Sự phân bổ các vết ban dày đặc nhất ở trên mặt, xuất hiện nhiều ở các chi hơn là trên thân mình; và ở các chi, lại dày hơn ở các điểm mút. Lòng bàn tay và lòng bàn chân thường nổi ban nhiều. Đôi khi, các chỗ phồng da kết lại với nhau, tạo nên vết ban giao nhau. Vết ban giao nhau làm bong lớp da ra khỏi lớp thịt nằm bên dưới. Bệnh nhân gặp phải các vết ban giao nhau thường vẫn trong tình trạng bệnh thậm chí sau khi lớp vảy đã hình thành. Tỷ lệ tử vong do gặp phải vết ban là 62%.
Bệnh lan truyền qua việc hít phải các virus variola trong không khí, thường từ các dịch từ vùng họng, mũi, niêm mạc họng của người nhiễm bệnh. Bệnh được truyền từ người sang người chủ yếu qua việc tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài với người nhiễm bệnh, thường trong khoảng cách 1,8m, nhưng cũng có thể bị truyền bệnh qua việc tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể bị nhiễm virus hoặc các đồ vật bị nhiễm bẩn như ra giường hay quần áo.
Với nguy cơ tử vong và di chứng kinh khủng do bệnh đậu mùa, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đẩy mạnh Chương trình thanh toán bệnh đậu mùa toàn cầu từ năm 1967 và đã có hiệu quả. Trường hợp mắc bệnh đậu mùa tự nhiên cuối cùng trên thế giới xảy ra ở Somali, Châu Phi vào tháng 10/1977. Sau đó 2 năm (1979), việc thanh toán bệnh đậu mùa trên toàn cầu đã được WHO xác nhận và Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) phê chuẩn vào tháng 5/1980. Kể từ năm 1978, không thấy trường hợp bệnh đậu mùa nào trên người và có những bằng chứng cho biết bệnh đậu mùa sẽ không trở lại thành bệnh lưu hành địa phương. Đậu mùa được xóa sạch nhờ có vắc xin. Chính vì thế, các chuyên gia đều cho rằng trước khi anti vaccin hãy nghĩ tới những căn bệnh này.
Hiện nay kho lưu trữ vi rút đậu mùa đảm bảo an toàn tuyệt đối đã được đặt tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ và Trung tâm nghiên cứu quốc gia về vi rút học và kỹ thuật sinh học Koltsovo, Novosibirsk, Liên bang Nga. WHO đã thành lập một chương trình thanh tra an toàn sinh học đối với 2 phòng thí nghiệm được uỷ quyền chính thức lưu giữ vi rút đậu mùa để bảo đảm an ninh và an toàn trong nghiên cứu.