Trước "giờ G", Qatar vẫn không thể chấp nhận yêu sách của các nước Ả Rập
Tuy nhiên, Reuters trích lời của Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani phát biểu tại Rome cho hay, Doha vẫn sẵn sàng ngồi xuống và thảo luận về những mối bất bình của các quốc gia Ả Rập hàng xóm.
Lời nhận xét của Bộ trưởng Ngoại giao Qatar được đưa ra trước thời hạn mà Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập yêu cầu Doha phải thực thi “bản yêu sách 13 điểm”. Các quan chức cho rằng, những yêu cầu này là nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài một tháng nay.
“Bản danh sách yêu cầu này được tạo ra là để từ chối, nó không mang ý nghĩa có thể chấp nhận được hay đàm phán được”, ông Sheikh Mohammed cho biết, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Doha sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối thoại sâu hơn để đưa ra “những điều kiện hợp lý”.
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar trả lời họp báo tại Rome hôm 1/7. Nguồn: Reuters |
Những yêu cầu mà các nước Ả Rập đưa ra bao gồm cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, “đóng băng” quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar.
Các nước Ả Rập khẳng định những yêu cầu này không thể đàm phán lại và cảnh báo các biện pháp nặng hơn sẽ được tiến hành nếu Doha không tuân thủ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Sheikh Mohammed vẫn tỏ ra rất cứng rắng: “Theo những yêu cầu và vị thế của chúng tôi, ngay từ đầu chúng tôi đã rất rõ ràng về vấn đề này. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ điều gì xâm phạm đến chủ quyền của Qatar cũng như bất cứ điều gì nhằm áp đặt Qatar”.
Cùng ngày 1/7, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa al-Khalifa về tranh cãi giữa Qatar và một số nước Ả Rập. Theo thông cáo, ông Putin nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đối thoại trực tiếp giữa tất cả chính phủ có liên quan đến tình hình căng thẳng này.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nổ ra từ ngày 5/6 khi một loạt quốc gia lớn đứng đầu là Ả Rập Xê Út đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng như đóng cửa mọi đường dây liên lạc với Qatar vì cáo buộc Doha tài trợ khủng bố và gây bất ổn trong khu vực. Trước cáo buộc này, Qatar một mực phủ nhận, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước khác trong khu vực cũng như Liên Hiệp Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng này.