Trước dân sống bằng luật rừng, giờ sống trong…rừng luật
“Trước đây khi chưa có luật thì người dân sống bằng luật rừng, còn bây giờ có nhiều luật thì người dân đang sống trong rừng luật”. ĐBQH Đoàn TP Hà Nội dẫn dụ lời nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc tại buổi thảo luận tổ chiều 2/11 về về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Cho rằng công việc giám sát của Quốc hội dù đã có nhiều cố gắng nhưng dù đã qua 6 khóa Quốc hội vẫn chưa có chuyển biến, theo ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, nguyên nhân là vì lực lượng trong các UB của Quốc hội rất mỏng, chứ không được “hùng mạnh” như các Bộ, ngành. Ngoài ra ông cũng thẳng thắn chỉ ra vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh.
![]() |
ĐBQH đoàn Hà Nội đề nghị cần nâng cao chất lượng luật hơn là chạy theo số lượng. Ảnh LD |
Về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, ĐB đánh giá đang có những động thái “hơi không bình thường. Cụ thể Bộ đang có chiều hướng đi xử lý vào lĩnh vực cụ thể mà lại để hổng lĩnh vực tham mưu hoạch định chính sách.
“Khánh thành, khánh tiết chẳng có ý nghĩa chính trị gì mà Bộ trưởng phải xuống cắt băng khánh thành. Bộ Xây dựng, GTVT, Công thương có nhiều DN, lại cứ thích điều hành vào những vấn đề của DN.
Cái quan trọng nhất của các Bộ là tham mưu hoạch định chính sách, thường xuyên đi kiểm tra. Chẳng hạn ngành thanh tra Y tế cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chứ không phải kiểm tra theo phong trào, lấy thành tích” – ĐB Quyền nêu.
Để tìm lời đáp cho câu hỏi “lợi ích nhóm nằm ở đâu?”, ĐB cho rằng, cần phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có hay không? Xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tín dụng NH, hay những vấn đề liên quan đến quản lý thị trường… văn bản thay đổi nhiều khi rất ngược. Vì thế phải kiểm tra xem lợi ích nhóm đã được kiểm soát chưa? Đây là trách nhiệm rất lớn đặt lên vai Quốc hội!
Mặc dù chưa thực sự sâu sắc, nhưng ĐB Đỗ Kim Tuyến cũng đưa ra nhận định, các bộ luật nhìn chung đã được đón nhận. Nhiều bộ luật ngay khi ban hành đã có nghị định, văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, một điểm dễ nhận thấy là công tác tuyên truyền, giao dục chưa thực sự đi vào những đối tượng cần tuyên truyền, thậm chí còn có phần lợi ích cục bộ.
“Nơi nào ban hành văn bản chậm phải quy rõ trách nhiệm. Chính sách của ta đang thiếu nhất quán, nhiều luật khó đi vào cuộc sống. Ví như Luật giá hiện chưa có chuyển động gì và chưa biết xử lý ra sao. Cần xem luật còn kẽ hở gì để sửa ngay cho phù hợp” – ĐB Tuyến đề nghị.
Cùng đề cập đến tính hiệu quả thiết thực, ĐB Trịnh Thế Khiết cho rằng, Quốc hội cần phải đánh giá lại, xem trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh nào thực sự đi vào cuộc sống. Khi luật, pháp lệnh đó đã ban hành thì Quốc hội thực hiện quyền giám sát như thế nào?
ĐB Khiết cũng đánh giá, khi xây dựng luật, pháp lệnh, những cái rất cần thiết cho đời sống, đời thường lại chưa tập trung lắm. Ông dẫn dụ Luật tác hại thuốc lá, Luật việc làm người dân có để ý đâu. Nhưng luật giao thông người dân rất cần. Mức độ vi phạm nhiều, thiệt hại cũng rất lớn, nhưng việc tuyên truyền lại rất hạn chế.
Hay giữa Hiến pháp và Luật đất đai, cử tri thường quan tâm nhiều hơn đến Luật đất đai, vì rất nhiều vấn đề như thời gian sử dụng đất, mức giá bồi thường…rất sát sườn với người dân.
“Để luật thực sự đi vào cuộc sống, sau khi luật ra đời, các văn bản, nghị định, thông tư phải được triển khai kịp thời. Tránh tình trạng luật thông qua xong các Bộ, ngành mới xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn” - ông Khiết nhấn mạnh.
ĐBQH Đinh Xuân Thảo thì cho rằng, không thể chủ quan, cứ ngồi đút chân gầm bàn viết thế nào cũng được, mà phải có điều tra, khảo sát, xem đưa luật vào cuộc sống thế nào, hiệu quả ra sao, cái gì được, cái gì chưa được?…
ĐB Thảo dẫn lời Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, rằng: “Trước đây khi chưa có luật thì người dân sống bằng luật rừng, còn bây giờ có nhiều luật thì người dân đang sống trong rừng luật”.
Nhắc lại điều này để cho thấy hiện đang có quá nhiều luật, và ĐB Thảo còn cho rằng, luật của ta đặt ra chủ yếu cho cơ quan quản lý thôi. Lúc đó người ta lại luôn nghĩ cách làm cho nó có lợi cho mình.
ĐB cho hay, so với các nước trên thế giới thì Việt Nam là nước hi hữu có luật rồi phải có nghị định, thông tư mới thực hiện được.