Trung Quốc yêu cầu Mỹ tránh xa các tranh chấp trên Biển Đông
Michael Fuchs, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Chiến lược và Quan hệ đa phương khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh trách nhiệm về việc leo thang tình hình căng thẳng trong khu vực không phải chỉ có một quốc gia. Song ông khẳng định Mỹ cho rằng Trung Quốc chưa sẵn lòng tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua thái độ "khiêu khích và đơn phương" trong thời gian qua.
Hiện nay, Trung Quốc đang ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên gần 90% diện tích Biển Đông – vùng biển giàu nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và thủy hải sản. Cả Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại nhiều khu vực trên Biển Đông. Mỗi năm, hoạt động thương mại đường thủy qua vùng biển chiến lược này đạt khoảng 5 ngàn tỷ USD.
Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương-981 về đảo Hải Nam đêm hôm 15/7. |
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhiền lần đưa ra lời khẳng định phi lý cho rằng nước này có chủ quyền không tranh cãi tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và yêu cầu binh sĩ cùng phương tiện của các quốc gia láng giềng "chiếm đóng trái phép những hòn đảo của Trung Quốc" ngay lập tức phải rút lui.
"Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền và lãnh hải của mình cũng như giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đối thoại trực tiếp với các nước liên quan dựa trên nền tảng tôn trọng thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế", tờ Japan Today dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
"Trung Quốc hy vọng các nước ngoài khu vực nghiêm chỉnh duy trì lập trường trung lập, phân biệt đúng sai rõ ràng và nhất quyết tôn trọng nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì nền hòa bình và an ninh", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ám chỉ tới Mỹ.
Trong những tháng gần đây, tình hình căng thẳng trên Biển Đông không ngừng leo thang sau hàng loạt hành động đơn phương xâm phạm chủ quyền của các nước trong khu vực.
Điển hình, hồi đầu tháng Năm, tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc CNOOC đã lai dắt và hạ đắt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tuy nhiên, đêm hôm 15/7, Trung Quốc đã dịch chuyển Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam tới đảo Hải Nam của Trung Quốc. Lý do được Tân Hoa Xã trích dẫn từ công ty dầu khí CNPC cho biết họ đã "thu đủ dữ liệu".
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines cũng gặp không ít sóng gió liên quan tới các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Manila ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Mỹ về việc các bên liên quan ngừng hành động làm gia tăng thêm căng thẳng.
Ông Fuchs cũng nhấn mạnh Mỹ hy vọng các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc tiến hành "một cuộc thảo luận thực chất và lâu dài" kêu gọi các bên kiềm chế trên Biển Đông như trong tuyên bố DOC hồi năm 2002 và tiến tới ký kết chính thức hiệp ước COC.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Japan Today, tờ báo điện tử tại Tokyo, được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 9/2000.