Trung Quốc: Xét xử 380 kẻ khủng bố ở Tân Cương
Trung Quốc đã phản ứng rất cứng rắn sau khi một loạt các sự cố đẫm máu diễn ra trên toàn quốc, chủ yếu tập trung ở vùng Tân Cương – thủ phủ của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Cảnh sát chống khủng bố của Trung Quốc triển khai lực lượng tại Tân Cương trong chiến dịch kéo dài nhiều tháng qua. Ảnh: Reuters. |
Hãng tin Bloomberg đưa tin cho biết, Trung Quốc đã đổ lỗi các cuộc tấn công trước đây thuộc trách nhiệm của người Hồi giáo đòi ly khai ở Tân Cương. Những người này muốn thiết lập một nhà nước độc lập có tên là Đông Turkestan.
Tờ Pháp luật hàng ngày chính thức của Trung Quốc cho biết, có 315 người đã bị xét xử vì tội liên quan đến khủng bố, ít nhất trong đó có 13 người trực tiếp tham gia thực hiện các vụ việc. Sáu nhân viên cảnh sát Trung Quốc được cho là đã chết khi làm nhiệm vụ.
Cảnh sát Trung Quốc cũng thu giữ 264 thiết bị nổ, 357 vũ khí, 101 chiếc máy tính chứa các nội dung cực đoan, cùng với sách, DVD hỗ trợ đào tạo tại các cuộc tấn công khủng bố, tờ báo địa phương này cho biết.
Thậm chí, các tài liệu còn mô tả chi tiết một số trường hợp, từ việc sử dụng cung và mũi tên ở thành phố Aksu đến thử nghiệm bom ở sa mạc Gobi.
Cơ quan chức năng Trung Quốc đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng trong chiến dịch, bao gồm việc báo tin cho họ.
Nhóm người Duy Ngô Nhĩ lưu vong và các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng chính sách đàn áp của chính phủ ở Tân Cương, bao gồm kiểm soát đạo Hồi, đã gây ra tình trạng bất ổn. Trong khi đó, một tuyên bố từ Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này.
Khoảng 200 người đã chết trong tình trạng bất ổn ở Tân Cương trong năm qua, chính phủ cho biết, trong đó có 13 người bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc tấn công hồi cuối tuần qua tại một đồn cảnh sát.
Trung Quốc đã thắt chặt việc thảo luận công khai về tình hình ở Tân Cương. Vào tháng Giêng, an ninh Trung Quốc đã bắt giữ giáo sư kinh tế nổi tiếng người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti và buộc tội ông có tư tưởng ly khai.
Tohti, giảng viên tại một trường đại học ở Bắc Kinh, được biết đến vì đấu tranh cho quyền lợi của người Duy Ngô Nhĩ.
Luật sư của ông, Li Fangping, cho biết hồi tuần trước rằng Tohti có thể bị xét xử và kết án trước công chúng.
Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Ông Li hôm thứ Hai (23/6) đã chia sẻ thông tin trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat cho biết, trường hợp của Tohti chỉ được giao lại cho các công tố viên, một hành động cần thiết trước khi đưa ra xét xử.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.