Trung Quốc xem Nga là “đối tác không thể thay thế”
Bài bình luận đăng trên Thời báo Hoàn Cầu hôm 18/7 nhấn mạnh sau hơn 2 thập kỷ phát triển, mối quan hệ song phương Nga – Trung đã bước sang một chương mới. Trung Quốc hiện còn xem Nga là một “đối tác không thể thay thế” trong mọi chiến lược chủ chốt của Bắc Kinh.
Chiến lược này bao gồm Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa, một phần trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm thúc đẩy hợp tác và kết nối khu vực Á – Âu; Tổ chức Hợp tác Thượng Hải bao trùm các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự; nhóm BRICS với 5 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi; và Ngân hàng Phát triển mới của nhóm này.
Trung Quốc và Nga tăng cường quan hệ hợp tác kinh tếđể hạn chế tầmảnh hưởng của Mỹ. |
Trong chuyến thăm Moscow hồi tháng Năm, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết với Nga một tuyên bố chung, nêu chi tiết về mối quan hệ hợp tác giữa Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Liên minh Kinh tế Á – Âu gồm các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Bắc Kinh dường như đang nỗ lực xóa bỏ sự cảnh giác và lo ngại của Moscow trong tiến trình thành lập một “động cơ kép” Nga – Trung dù hai bên còn tồn tại một số điểm bất đồng.
Mâu thuẫn hai nước hiện thời có thể kể đến cuộc cạnh tranh giữa Tuyến đường sắt xuyên châu Á mà Bắc Kinh đang ủng hộ với Tuyến đường sắt xuyên Siberia mà Moscow đang đầu tư. Hay hệ thống đường ống dẫn khí đốt Trung Á – Trung Quốc chạy từ vùng Trung Á tới khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc với đường ống khí đốt Altai kéo dài từ vùng Siberia của Nga tới khu vực tây bắc Trung Quốc.
Do đó, Trung Quốc đang tìm cách điều phối dự án Đường sắt xuyên châu Á và Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa, để đưa ra thêm lựa chọn thay thế cũng như phát triển cơ sở hạ tầng mang lại lợi cho cả Bắc Kinh và Moscow.
Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, hiện được xem là chìa khóa trong chiến lược mở rộng quan hệ hợp tác và quy mô phát triển của Bắc Kinh. Ngoài ra, sự ra đời của Ngân hàng Phát triển mới thuộc nhóm BRICS, với số vốn dự trữ lên tới 100 tỷ USD, cũng sẽ góp phần vào cuộc chiến chống khủng hoảng thanh khoản và sự giảm phát toàn cầu bằng cách giúp các thị trường mới nổi có những biện pháp giải quyết rủi ro tốt hơn.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin có thể triển khai 4 cách để cùng bắt tay đối phó Mỹ.
Thứ nhất, tăng cường hợp tác kinh tế thông qua các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi như thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên có thời hạn 30 năm được hai bên ký kết tại Bắc Kinh với tổng trị giá 400 tỷ USD.
Thỏa thuận này không những giúp Bắc Kinh có thêm một nhà cung cấp năng lượng lớn mà còn đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu khí đốt của Moscow. Thậm chí, số tiền Trung Quốc trao cho Nga còn giúp Moscow dễ dàng đương đầu với vòng vây lệnh trừng phạt của phương Tây sau quyết định Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine hồi năm ngoái.
Chiến lược thứ hai là hai nước chung tay phát triển Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa. Cùng với tuyến đường sắt xuyên châu Á, Trung Quốc và Nga hy vọng hình thành một vùng kinh tế Trung Quốc - Á – Âu để loại bỏ khả năng mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Thứ ba, Trung Quốc và Nga đang hướng Ngân hàng Phát triển mới tạo thêm sức ép với đồng đôla Mỹ thông qua con đường cạnh tranh với hai tổ chức là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà Washington đang nắm quyền kiểm soát. Việc 5 quốc gia thành viên khối BRICS chiếm một nửa GDP của thế giới, cũng đang đe dọa vị thế của đồng đôla Mỹ, vốn được coi là đồng tiền thống trị thế giới.
Cuối cùng, Trung Quốc và Nga còn đang tìm cách thâm nhập vào “sân sau” của Mỹ ở các thị trường Mỹ Latinh. Điển hình, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Putin đều đã tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil hồi tháng 7/2014. Sau đó, ông Tập còn thực hiện chuyến công du tới Argentina, Venezuela và Cuba. Theo Thời báo Hoàn Cầu, hành động của ông Tập muốn thể hiện với Washington rằng nếu Mỹ can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Á, Trung Quốc sẽ can thiệp vào công việc của Mỹ ở vùng Nam Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Thời báo Hoàn Cầu, một nhật báo khổ nhỏ tại Trung Quốc, tờ báo này được quản lý bởi Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.