Trung Quốc viện trợ quân sự cho Campuchia, gây sức ép với Đông Nam Á
Theo Nhật báo Campuchia (The Cambodia Daily), Trung Quốc đã chuyển cho Campuchia 44 xe quân sự, trong đó có xe jeep, xe tải chở tên lửa và một chục pháo phòng không, cùng 20 xe nâng hàng, 4 khu bếp dã chiến, 2.000kg chất hóa học không rõ tên và 10.000kg linh kiện dự phòng.
Quan hệ quân sự giữa Campuchia và Trung Quốc đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây. |
Một buổi lễ bàn giao các khí tài trên giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh và đại sứ Trung Quốc Bu Jianguo đã diễn ra tại Viện nghiên cứu Lục quân ở tình Kampong Speu, một cơ sở được Bắc Kinh tài trợ.
Hiện vẫn chưa rõ các loại khí tài quân sự này được sử dụng như thế nào. Truyền thông Trung Quốc nói rằng những thiết bị này được sử dụng cho một chương trình huấn luyện của một xưởng cơ khí, nhằm nâng cao kỹ năng bảo dưỡng và sửa chữa của các kỹ sư.
Ngược lại, Trung tướng Chao Phirun, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật và hậu cần của Bộ Quốc phòng cho biết các loại khí tài này được dùng để huấn luyện cho ba đơn vị Lực lượng Đặc nhiệm Hoàng gia Campuchia (RCAF) để chống buôn lậu.
Trung Quốc hiện là đối tác viện trợ hàng quốc phòng lớn nhất của Campuchia, mặc dù nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, cũng có quan hệ quân sự với nước này. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Phnom Penh đã trở nên gắn kết hơn trong vài năm trở lại đây.
Trong năm 2013, Campuchia đã mua về 12 trực thăng Harbin Z-9 trong khuôn khổ một khoản vay trị giá 195 triệu USD với Trung Quốc. Tháng 2/2014, nước này cũng nhận thêm 26 xe tải Trung Quốc và 30.000 đồng phục quân đội. Viên nghiên cứu Lục quân, cơ sở quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc ở Đông Nam Á, thường được coi là minh chứng cho tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Campuchia.
Trong bài diễn văn trong buổi lễ bàn giao, ông Phirun gọi cuộc chuyển giao khí tài quân sự này là “một bước tiến lịch sử nữa” trong quan hệ hỗ trợ quân sự của Trung Quốc. Ông nói thêm rằng chúng sẽ nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Campuchia và cho phép dễ dàng bảo vệ chủ quyền đất nước, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai, ngăn chặn nạn vượt biên trái phép và các tệ nạn khác như buôn người, ma túy và vũ khí.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.