Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tiến trình hòa giải bán đảo Triều Tiên
Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Triều Tiên, mặc dù Bắc Kinh tỏ ra tức giận trước việc Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa và hạt nhân và ủng hộ Liên Hợp Quốc trừng phạt nghiêm khắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hoan nghênh những động thái nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) đã có cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tại thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên). |
Ngoại trưởng Vương Nghị đang có mặt tại Bình Nhưỡng sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc gặp mặt lịch sử và đã hứa sẽ cải thiện quan hệ song phương. Vài ngày trước đó Triều Tiên đã khiến cả thế giới bất ngờ khi họ tuyên bố sẽ đóng cửa khu thử hạt nhân của mình để “đảm bảo một cách minh bạch” cam kết ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Vương đã gửi lời chúc mừng tới Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho sau cuộc gặp gỡ thành công của lãnh đạo liên Triều. Ông Vương cũng khẳng định Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ cam kết phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tập trung vào phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi hi vọng rằng cuộc đối thoại giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hoa Kỳ sẽ diễn ra thành công và những bước tiến đáng kể sẽ được thực hiện”, ông Vương nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cho biết, Trung Quốc cũng ủng hộ “những quan ngại an ninh chính đáng” của Triều Tiên và ủng hộ cải thiện quan hệ liên Triều. “Trung Quốc sẵn sàng củng cố liên lạc với Triều Tiên và tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo Triều Tiên”, ông Vương nói.
Trung Quốc hầu như đứng ngoài cuộc khi Triều Tiên và Hàn Quốc cải thiện quan hệ, cho đến khi lãnh đạo Kim Jong-un có chuyến thăm bí mật tới Bắc Kinh để gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 3 vừa qua.
Bắc Kinh từ lâu muốn cho thấy rằng họ có vai trò không thể thay thế trong việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề Triều Tiên và họ cũng quan ngại rằng lợi ích của mình có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng và Washington xích lại gần nhau.