Trung Quốc: Tốc độ cải tạo đảo kỷ lục, đòi "phòng thủ tấn công" ở Biển Đông
Trung Quốc đã phác thảo chiến lược quốc phòng mới nhằm nâng cao năng lực hải quân ở khu vực ngoài khơi khi cho rằng nước này đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh phức tạp cả trên Biển Đông.
Reuters cho hay trong văn bản chiến lược quốc phòng được công bố vào hôm nay (26/5), Hội Đồng Nhà Nước, cơ quan quyền lực cao nhất Trung Quốc đã cam kết tiếp tục nâng cao "năng lực bảo vệ ngoài khơi" và chỉ trích các quốc gia láng giềng có "những hành động khiêu khích" tại các bãi đá ngầm và hòn đảo nằm trên Biển Đông.
Văn bản này được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường bồi đắp và xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Lính hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trậnRIMPAC hồi năm 2014. |
Còn lâu nay, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới với tổng giá trị thương mại hàng năm đạt 5 ngàn tỷ USD. Biển Đông cũng là vùng biển mà cả Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền.
Hành động phi lý của Trung Quốc đã đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng. Mới đây, Mỹ còn điều một chiếc máy bay giám sát tới gần khu vực các hòn đảo mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép trên Biển Đông.
Đáng nói, trong hôm nay, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun còn nhấn mạnh hoạt động cải tạo và khai hoang của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa có thể sánh ngang với tốc độ xây dựng nhà cửa và đường xá ở đại lục.
Thậm chí, ông này còn đưa ra lời cáo buộc phi lý rằng một số quốc gia với "những lý do không nói ra" đã mô tả một cách không công bằng về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc và kích động thêm tình hình. Hoạt động giám sát trong khu vực đang ngày một gia tăng và Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra "những biện pháp cần thiết" để đáp trả.
"Một số nước ngoài cũng đang làm vấn đề trên Biển Đông trở nên phức tạp khi duy trì hoạt động giám sát và do thám tầm gần cả trên biển và trên không chống lại Trung Quốc", văn bản chiến lược của Trung Quốc ngầm ám chỉ Mỹ.
Cũng theo văn bản này, không quân Trung Quốc sẽ chuyển từ mục tiêu phòng không trên lãnh thổ sang cả phòng thủ lẫn tấn công và xây dựng năng lực phòng không mạnh hơn.
Trong khi đó, lực lượng hạt nhân của quân đội Trung Quốc hay còn gọi là Quân đoàn pháo binh số hai, cũng sẽ tăng cường năng lực phòng thủ và phản công hạt nhân chính xác ở cả tầm trung và tầm xa.
Văn bản chiến lược của Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ nâng cao năng lực an ninh tại các khu vực quan trọng đối với lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc nhưng không công bố chi tiết.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.