Trung Quốc thiếu máy bay cho tàu sân bay, "muối mặt" dùng J-15 đầy lỗi
Tàu Liêu Ninh có thể mang theo 40 máy bay quân sự, tuy nhiên việc tàu này sử dụng hệ thống hỗ trợ cất cánh và hạ cánh thay vì máy phóng máy bay khiến cho phần lớn các máy bay trên con tàu này là máy bay trực thăng. Thế nhưng điều này không giúp tàu Type 001A mới, hiện đang được thử nghiệm trên biển, có đủ máy bay J-15 để lập nên một phi đội hoàn chỉnh.
Một máy bay J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. |
Dư luận Trung Quốc tỏ ra không mặn mà với phi cơ J-15. Báo Asia Times cho biết truyền thông Trung Quốc đã chê máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư này bằng rất nhiều cách khác nhau. J-15 bị ví như một “con cá mắc cạn” do nó không thể hoạt động hiệu quả trên tàu sân bay của Trung Quốc.
Động cơ của J-15 và trọng lượng của nó cũng ảnh hưởng đến khả năng của máy bay. Với trọng lượng lên đến 17,5 tấn khi chưa trang bị vũ khí, nó là máy bay nặng nhất dùng trên tàu sân bay. Để tiện so sánh, F/A-18 của Hải quân Mỹ chỉ nặng 14,5 tấn.
Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc sẽ lắp đặt một máy phóng máy bay trên các tàu sân bay thế hệ tiếp theo. Đây không phải là công nghệ mới, khi tàu sân bay Mỹ đã sử dụng máy phóng từ nhiều thập kỷ nay. Máy phóng sẽ giúp máy bay chiến đấu có thể tạo đà nhanh chóng và cho phép nó có thể cất cánh với tốc độ nhanh hơn, điều này giúp máy bay có thể mang theo nhiều loại vũ khí hơn và mang theo nhiều nhiên liệu hơn.
Theo chuyên gia quân sự người Nga Vasily Kashin, Trung Quốc sẽ chưa thể thay thế J-15 trong một sớm một chiều, và với việc máy bay luôn được cải tiến, nhiều khả năng J-15 sẽ còn được Trung Quốc sử dụng liên tục trong những năm tới.
“Tôi không tin rằng máy bay J-31 có khả năng hoạt động trên tàu sân bay có thể đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào giữa thập niên 2020. Đến lúc đó họ sẽ phải chấp nhận với J-15”, ông Kashin nói.
“Nhiều năm trước, Trung Quốc quyết định tiết kiệm ngân sách. Vì vậy, thay vì mua vài phi cơ Su-33 từ Nga và nhận được giấy phép sản xuất ở Trung Quốc, họ chọn mua một phiên bản mẫu của Su-33 từ Ukraine là T-10K-3”, ông Kashin nói. Su-33 là một phiên bản được cải tạo của máy bay Su-27 Flanker để hoạt động trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga, một con tàu cùng chủng loại với tàu Liêu Ninh.
“Sau khi mua về loại máy bay không còn có khả năng bay này, Trung Quốc bắt đầu phát triển một phiên bản sao chép được cải tiến”, ông Kashin nói. J-15 được hình thành dựa trên những nghiên cứu công nghệ trên máy bay T-10K-3, đồng thời những vấn đề kỹ thuật trên phiên bản mẫu cũng được đưa vào phiên bản của Trung Quốc sau này. Chiếc J-15 đầu tiên đã cất cánh vào năm 2012.
“Điều này khiến J-15 mất nhiều thời gian và tài chính hơn so với dự kiến, song chiếc máy bay đầu tiên không có độ tin cậy cao”, ông Kashin nói. “Tuy nhiên, sau khi dành thêm thời gian và tiền bạc, Trung Quốc sẽ giải quyết những vấn đề kỹ thuật hiện nay và sẽ có một phi cơ hoạt động trên tàu sân bay có đủ độ tin cậy”.