Trung Quốc tập trận trái phép ở Hoàng Sa, tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông
Japan Times đưa tin theo hai thông báo trên trang web của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm 5/8, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận trái phép gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong hai ngày 6 – 7/8.
Tàu sân bayUSS Ronald Reagan của hải quân Mỹ và tàu khu trục của Nhật Bản hoạt động ở Biển Đông. (Ảnh minh họa) |
Thông báo cũng nhấn mạnh cấm các tàu thuyền tiến vào khu vực tập trận. Những thông tin chi tiết hơn không được Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc công bố.
Cho tới ngày hôm nay (6/8), thông tin Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa hay chưa vẫn chưa thể xác định.
Tuy nhiên, thời gian Trung Quốc tổ chức tập trận lại diễn ra đúng lúc tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ có mặt và thực hiện tuần tra trên Biển Đông. Theo những hình ảnh được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã có mặt ở Biển Đông vào ngày 5/8. Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ hiện neo đậu tại thành phố cảng Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa của Nhật Bản.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.
Hôm 2/8, Chỉ huy Lực lượng Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, Tướng Robert Brooks cho hay: Lục quân Mỹ sẽ tiến hành hai đợt tập trận chính trong năm tài khóa 2020 ở Thái Bình Dương và châu Âu. Trong đó, các cuộc tập trận quy mô lớn của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2020 sẽ tập trung vào chủ đề Biển Đông.
Lục quân Mỹ hiện có khoảng 85.000 binh sĩ đồn trú tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sẵn sàng tham gia các cuộc tập trận với những nước đối tác như cuộc diễn tập mang tên Pacific Pathways (USARPAC).
Ngoài cuộc chiến thương mại và vấn đề Đài Loan, hoạt động đi lại tự do ở Biển Đông hiện là điểm nóng gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung. Trong khi Mỹ điều động tàu thuyền tham gia sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, thì Trung Quốc lại lên tiếng phản đối và huy động tàu chiến tới ngăn chặn.
Trước đó, tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Bnagkok, Thái Lan ngày 31/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nêu đích danh nhóm tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam thời gian gần đây.
Cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
Phó Thủ tướng khẳng định, những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển.
"Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiều quốc gia và tổ chức tham dự Hội nghị trong đó có các nước thành viên ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng chỉ trích những hành động phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.