Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lập tức có mặt
Theo các nhà phân tích quân sự, cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và hơn 40 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải là hành động nhằm phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.
“Trung Quốc muốn cho thế giới thấy quyết tâm của mình trong việc bảo vệ những thành quả đã đạt được trong quá trình cải cách kinh tế suốt 40 năm qua. Giống như Mỹ, quân đội Trung Quốc hiện là một trong những công cụ chính trị của chính phủ để bảo vệ các lợi ích của quốc gia”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ. |
Trong khi đó, theo chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, ông Li Jie, đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tham gia một cuộc tập trận bắn đạn thật.
“Đợt diễn tập này sẽ thử nghiệm khả năng chiến đấu thực tế của tàu sân bay Liêu Ninh cũng như khả năng phối hợp hành động giữa tàu sân bay và các tàu chiến thuộc những hạm đội khác”, ông Li chia sẻ.
Điều đáng nói, đợt diễn tập kéo dài một tuần trên Biển Đông của hải quân Trung Quốc diễn ra đúng lúc Mỹ - Trung rơi vào cuộc chiến thương mại liên quan tới việc tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng giữa hai nước từ hồi đầu tuần này.
Còn theo một số bản báo cáo, Lầu Năm Góc cũng đã điều động 3 nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, hạm đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tới thăm cảng Singapore vào ngày 2/4 sau khi được triển khai tới Trung Đông.
Những hình ảnh được vệ tinh chụp lại đã cho thấy hồi tuần trước, tàu sân bay Liêu Ninh cùng ít nhất 40 tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đã có mặt ở ngoài khơi đảo Hải Nam.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang xác nhận, Liêu Ninh sẽ dẫn đầu nhóm tàu chiến tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn. Ông Ren cũng nhấn mạnh, đây chỉ là cuộc diễn tập thường kỳ và tuân theo chính sách phòng thủ của Trung Quốc đồng thời không gây ra bất cứ mối đe dọa nào với các nước khác.
Tuy nhiên, giới phân tích quân sự nhận định, việc Bắc Kinh đẩy mạnh triển khai lực lượng hải quân ra Biển Đông là nhằm đối phó trước động thái Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển chiến lược như Philippines. Mới đây, Mỹ cũng đã lần đầu tiên cử hạm đội tàu sân bay USS Carl Vinson tới thăm cảng Đà Nẵng.
“Sự hiện diện quân sự tăng cường của Mỹ ở Biển Đông cho thấy, Washington đã xem Bắc Kinh là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm không chỉ trên mặt trận kinh tế mà cả quân sự”, ông Zhou nói.
“Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhận ra rằng, khoảng cách quân sự với Mỹ vẫn còn khá lớn. Tất cả những vũ khí mà Trung Quốc triển khai tới Biển Đông mới chỉ nhằm mục đích phòng vệ bao gồm các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D”, ông Zhou giải thích.
Hiện Trung Quốc được cho đã triển khai DF-21D, loại vũ khí được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” tới khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông để phòng thủ trước nguy cơ các nhóm tàu sân bay Mỹ bất ngờ tấn công nhằm vào các thành phố ven biển vốn là trung tâm kinh tế của Trung Quốc.