Trung Quốc sẽ làm gì để "cứu" nền kinh tế Nga?
Hai quan chức Trung Quốc là Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành đã lên tiếng chính thức ủng hộ Nga hôm 20/12. Đây là lần đầu tiên, chính phủ Trung Quốc tuyên bố ủng hộ quốc gia láng giềng kể từ khi đồng nội tệ Nga ruble sụt giá nghiêm trọng, theo tờ 21st Century Business Herald tại Quảng Châu.
Giá dầu thế giới sụt giảm xuống còn 53 USD/thùng từ mức 80 USD/thùng chỉ trong vòng một tháng đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đẩy đồng ruble mất giá thêm và khiến nền kinh tế Nga tụt dốc. Do đó, với vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, nền kinh tế Nga đã chịu tổn thất không nhỏ khi giá dầu liên tiếp sụt giảm.
Ô tô xếp hàng mua xăng tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. |
"Trung Quốc cần bình ổn giá dầu", Want China Times dẫn lời một quan chức hàng đầu giấu tên tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhà sản xuất và cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn nhất Trung Quốc, nói.
Chính phủ Trung Quốc cũng như chính quyền Mỹ đều không muốn chứng kiến giá dầu sụt giảm thê thảm thêm nữa, quan chức này nói thêm.
Trong tháng 11, nguồn cung và tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới không hề thay đổi nhưng lại có sự biến động lớn về giá cả. Do đó, vị quan chức Trung Quốc nhấn mạnh yếu tố gây ra hiện tượng "khó hiểu" này chính là các tổ chức tài chính chứ không phải các nhà sản xuất và người tiêu thụ năng lượng.
Cũng theo quan chức giấu tên Trung Quốc, thực tế, Bắc Kinh dường như không thể giúp Nga bình ổn giá dầu bởi quốc gia này khó có khả năng ganh đua với các nước thiết lập giá dầu cùng với khoản tiền đầu tư hàng ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ giúp Nga theo cách khác. Theo đó, Moscow có thể cho phép các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc được phép tới lãnh thổ Nga làm ăn hoặc tạo lập mối quan hệ hợp tác song phương trong ngành công nghiệp quân sự.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc hiện đã có sẵn những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Sản lượng thương mại dầu mỏ giữa hai nước cũng đã lên tới hàng chục triệu m3. Hai bên còn hợp tác trên nhiều dự án khai thác và sản xuất khí đốt tự nhiên, năng lượng nguyên tử và điện năng với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 19 tỷ Nhân dân tệ (1,6 tỷ USD).
Giá dầu giảm là một trong những yếu tố khiến đồng ruble mất giá. |
Song, vào cuối tuần trước, giá dầu thế giới cũng đã bắt đầu tăng trở lại ở mức 58 USD/thùng vào ngày hôm qua (25/12).
Kể từ năm 1993, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Việc giá dầu giảm đã trở thành một điều kiện lý tưởng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu như giá dầu tiếp tục tụt dốc, các nhà sản xuất sẽ dần dần giảm sản lượng. Điều này sẽ lại dẫn tới hiện tượng nhu cầu nhập tăng mạnh và giá dầu sẽ tăng trở lại, theo các chuyên gia. Theo đó, Giải pháp tối ưu hiện nay là làm thế nào để duy trì cán cân giữa nguồn cung và cầu lâu dài mà đặc biệt là kiểm soát nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc.
Theo Want China Times, phần lớn các nhà sản xuất dầu mỏ hy vọng việc giá dầu giảm sẽ chỉ là tạm thời và sau đó, giá dầu sẽ quay trở lại ở mức từ 70 – 80 USD/thùng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Want China Times, trang web tin tức bằng tiếng Anh của Tập đoàn truyền thông China Times (Đài Loan). Want China Times được thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các thông tin về cộng đồng quốc tế đặc biệt về Trung Quốc và Đài Loan.