Trung Quốc sẽ biến tàu chiến Mistral của Pháp thành sòng bạc nổi?
Trước cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Pháp đã cho dừng bản hợp đồng chuyển giao 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho hải quân Nga.
Thủy thủ Nga lên tàu khu trụcSmolnyrời khỏi xưởng đóng tàuSTX Les Chantiers de l'Atlantique tạiSaint-Nazaire, miền tây nước Pháp hồi tháng 12/2014. |
Vậy câu hỏi đặt ra là Pháp sẽ làm gì với hai chiếc tàu chiến Mistral trị giá 680 triệu USD khi mà Paris không muốn chuyển giao cho Nga và cũng không cần chúng để trang bị cho lực lượng hải quân quốc gia?
Dưới đây là 4 khả năng Pháp sẽ xử lý với 2 tàu chiến Mistral được tờ The Moscow Times tập hợp:
Đánh chìm
Hồi tuần trước, tờ Le Figaro của Pháp đã dẫn lời một quan chức quốc phòng giấu tên nước này cho hay Paris nên đánh chìm 2 tàu chiến Mistral không chuyển giao cho Nga để tiết kiệm khoản tiền thuế thu từ người dân.
Trước đó, hồi tháng Tư, tờ L'Opinion dẫn đánh giá của nhà báo Pháp Jean-Dominique Merchet nhận định Paris sẽ phải chi mất 5 triệu euro (5,7 triệu USD) hàng tháng để bảo dưỡng 2 tàu chiến Mistral.
Ngoài ra, do hai còn tàu này được thiết kế sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn sử dụng của các loại vũ khí do Nga sản xuất, nên chi phí chuyển đổi sang phục vụ nhu cầu của Pháp sẽ còn tốn hàng triệu USD.
Trong bối cảnh, 2 tàu chiến Mistral đã bị hoãn chuyển giao cho Nga trong hơn 6 tháng, biện pháp mà tờ Le Figaro đưa ra có vẻ mang tính kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả khi Paris không còn lựa chọn nào khác, Pháp vẫn có thể để hai con tàu này hạ neo mãi mãi.
Bán cho NATO
Ý tưởng bán 2 tàu chiến Mistral cho NATO hiện đang vấp phải một trở ngại lớn là do bản thân NATO không cần một đội quân riêng. Nói cách khác, quân đội NATO được hình thành từ lực lượng vũ trang của các nước thành viên.
Do đó, Pháp chỉ có thể bán tàu chiến Mistral cho một nước thành viên trong khối NATO ví dụ như Canada để nâng cao năng lực hải quân. Đặc biệt, hai chiếc tàu chiến Mistral mà Pháp đóng cho hải quân Nga được thiết kế phần vỏ tàu cải tiến phù hợp với các sứ mệnh ở Bắc Cực. Đây được xem là ưu điểm khiến hải quân Canada quan tâm.
Biến thành sòng bạc nổi tại Trung Quốc
Hồi năm 1998, doanh nhân Trung Quốc Cheng Zhen Shu đã mua lại chiếc tàu sân bay được đóng dưới thời Liên Xô cũ mang tên Varyag với giá 20 triệu USD. Ông Su cho biết ông muốn biến chiếc tàu này trở thành một sòng bạc nổi. Theo hãng tin Bloomberg, chi phí sửa chữa con tàu sẽ lên tới 200 triệu USD. Nhưng cuối cùng, tàu Varyag đã biến thành chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh vào năm 2011.
Trước đây, một số tàu sân bay của Liên Xô đã được bán và chuyển đổi mục đích sử dụng từ tàu chiến thành tàu giải trí. Điển hình, hồi năm 2011, Trung Quốc đã biến một tàu sân bay cũ thành một khách sạn hạng sang mang tên Kiev. Trong khi tàu sân bay Minsk trở thành một phần trong công viên giải trí với tên gọi “Thế giới Minsk”.
Bán cho quân đội Trung Quốc
Khả năng Pháp sẽ thảo luận và bán trực tiếp tàu chiến Mistral cho hải quân Trung Quốc. Bởi trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành thay đổi học thuyết hải quân chú trọng tăng cường lực lượng phòng vệ bờ biển và tiến tới mục đích trở thành lực lượng hải quân biển xanh thực thụ với sự góp mặt của các tàu sân bay.
Hồi tuần trước, giới truyền thông Trung Quốc cũng đã rộ lên tin đồn cho rằng Pháp đang cân nhắc bán tàu chiến Mistral vốn ký hợp đồng với Nga, cho Trung Quốc. Bằng chứng là chuyến thăm của hải quân Pháp tới Trung Quốc có sự góp mặt của một tàu chiến lớp Mistral. Đây là dấu hiệu cho thấy Paris muốn phô trương thiết kế vượt trội của con tàu này trước khi đưa ra lời đề nghị mua bán với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể là “cửa sau” giúp Nga nhận hai chiếc tàu Mistral từ Pháp.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuât bản truyền thông lớn của Nga.