Trung Quốc "săn cáo", quyết thu hồi tài sản quan tham ở nước ngoài
ANN dẫn lời Zhang Xiaoming, Phó giám đốc bộ phận Hỗ trợ pháp lý và ngoại giao thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho hay Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang tiến hành đàm phán với Mạng lưới cưỡng chế tội phạm tài chính của Mỹ, một cơ quan nằm dưới sự điều hành của Bộ Tài chính Mỹ, để kiểm soát hoạt động giao dịch tài chính truy lùng mạng lưới tội phạm.
Ông Zhang nói thêm quá trình đàm phán giữa quan chức hai nước sẽ đi tới ký kết một thỏa thuận song phương nhằm tìm ra số tài sản phi pháp mà các quan tham Trung Quốc đã tuồn ra nước ngoài. Ngoài Mỹ, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng sẽ ký kết một thỏa thuận tương tự với Cơ quan Tình báo Tài chính Australia.
Zheng Xiaoyu (62 tuổi), cựu Cục trưởng Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia Trung Quốc bị tuyên án tử hình hồi năm 2007 vì tội tham nhũng. |
“Sau khi các thỏa thuận được ký kết, Trung Quốc sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ và Australia, nhằm cung cấp thêm thông tin cho các cơ quan hành pháp để tiến hành điều tra thêm. Một khi, các quan chức hành pháp tại Mỹ và Australia phát hiện và tìm ra khối tài sản phi pháp, họ sẽ ngay lập tức thi hành các thủ tục pháp lý để phong tỏa và tịch thu số tiền này ở nước họ”, ông Zhang nói.
Trong khi đó, nguồn tin từ Bộ Công An Trung Quốc cho hay hơn một nửa số quan tham Trung Quốc đã chuyển khối tài sản phi pháp ra nước ngoài và lẩn sang Mỹ, Canada và Australia nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Từ năm 1999 – 2011, hơn 18.000 quan tham Trung Quốc đã bỏ trốn ra nước ngoài cùng số tiền lên tới 800 tỷ Nhân dân tệ (128,5 tỷ USD), theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Khoa học xã hội Trung Quốc.
Kể từ hồi tháng Bảy, Bộ Công An Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đặc biệt mang tên “Săn cáo 2104” nhằm truy tìm số tội phạm kinh tế đang lẩn trốn ở nước ngoài.
Tính tới ngày 4/12, cảnh sát Trung Quốc đã đưa được 428 nghi phạm bị cáo buộc gian lận kinh tế từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước để điều tra. Tuy nhiên, lực lượng chức năng Trung Quốc mới chỉ tịch thu được một phần nhỏ trong số gia tài khủng mà số nghi phạm này đã tuồn ra nước ngoài.
“Do rào cản về thủ tục pháp lý, chúng tôi đã đối mặt với không ít khó khăn trong qua trình tịch thu và đưa số tài sản phi pháp về nước”, Liu Dong, phó giám đốc phòng điều tra tội phạm kinh tế thuộc Bộ Công An Trung Quốc cho biết.
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong một vụ án tham nhũng tại Bắc Kinh. |
Theo ông Zhang, trong nhiều trường hợp, các cán bộ Trung Quốc không thể cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý cần thiết cho phía Mỹ và Australia như lệnh phong tỏa tài sản của tòa án Trung Quốc để đối tác hỗ trợ phong tỏa và tịch thu số tài sản phi pháp.
“Mặc dù, Cục điều tra liên bang Mỹ và cảnh sát Australia đã tìm ra số tài sản của các quan tham và thu thập đủ bằng chứng đây là số tài sản phạm pháp mà có, nhưng họ vẫn không thể ngay lập tức tiến hành phong tỏa và tịch thu chúng bởi họ không nhận được giấy yêu cầu phong tỏa tài sản từ phía tòa án Trung Quốc”.
Còn theo quy định của luật pháp Trung Quốc, tòa án sẽ không thể tuyên án đối với các nghi phạm cũng như tịch thu khối tài sản phạm pháp nếu như họ không tới dự phiên xét xử.
Ngay sau khi lên nắm quyền điều hành hồi tháng 11/2012, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phát động một chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp với nhiều nước trên thế giới để truy lùng các nghi phạm tài chính và tịch thu số tài sản đang trôi nổi ở nước ngoài.
Bộ Tư pháp của Pháp cho hay Paris cũng đã cam kết hỗ trợ Trung Quốc trong việc xác định và phong tỏa khối tài sản phi pháp được chuyển ra nước ngoài như bất động sản, tiền tiết kiệm ngân hàng và các khoản đầu tư đồng thời liên lạc với cơ quan pháp lý Trung Quốc để chia sẻ số tài sản đã tịch thu được.
Giáo sư chuyên ngành luật tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Huang Feng nhận định ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc hiện nay là “đào tạo lực lượng nhân viên hành pháp chuyên nghiệp, thông thạo các quy định pháp luật ở phương Tây đồng thời có khả năng soạn thảo các văn bản pháp luật chất lượng cao cũng như thành thạo tiếng Anh để trao đổi với đối tác”.
Theo ông Huang, Trung Quốc còn cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý và sửa đổi luật pháp để đưa các nghi phạm về nước cũng như tịch thu khối tài sản phi pháp.