Trung Quốc rất “khát” dầu
Một số nhận định cho rằng giá dầu trong năm nay sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, với tình hình chính trị và nội chiến phức tạp đang xảy ra liên miên ở Trung Đông khiến cho nguồn cung cấp dầu và khí đốt ngày càng hạn chế. Cộng với việc Trung Quốc, nước có nhu cầu dầu mỏ khổng lồ sẽ khiến cho giá dầu sẽ giữ ổn định ở mức cao trong tương lai gần.
Theo Forbes dự báo, trong năm nay, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở nước này đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến có thể làm tăng nhu cầu nhiên liệu thậm chí cao hơn nhiều so với mức ước tính, nhất là khi doanh số bán xe hơi và các tài sản khác đang có xu hướng tích cực.
Phục hồi tăng trưởng kinh tế khiến cho nhu cầu dầu mỏ ở Trung Quốc tăng khoảng 5% trong năm nay |
Đặc biệt, khi việc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc được hoàn thành vào tháng Ba, ban lãnh đạo mới của chính phủ nước này được dự đoán sẽ đưa ra một chương trình kích thích kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự đoán này của Barclays Capital làm tăng thêm những lo ngại về việc thiếu hụt lượng lớn dầu khí cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã chỉ ra một sự phục hồi mạnh mẽ trong quý IV năm ngoái, đạt mức cao nhất trong lịch sử với 10,6 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2012, sau quãng thời gian dài chỉ tiêu thụ 9 triệu thùng/ngày trong suốt mùa hè. Sức tăng mạnh mẽ vào cuối năm đã đẩy nhu cầu cầu mỏ năm 2012 tới 9,6 triệu thùng/ ngày, cao hơn 360.000 thùng so với cùng kỳ một năm trước đó.
Barclays cũng đã chỉ ra trong một báo cáo về sự gia tăng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc trở lại từ tháng 10/2012 rằng việc cải thiện hoạt động công nghiệp và năng lực lọc dầu mới ở nước này đang thúc đẩy nhu cầu. Các nhà phân tích của Barclays ở London và Singapore hy vọng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ tăng 480.000 thùng/ngày trong năm 2013, hoặc khoảng 5% so với mức đã đạt được năm 2012.
Hiện Trung Quốc đang nỗ lực để chủ động hơn trong việc lựa chọn nguồn cung dầu cho nhu cầu trong nước của mình. Trong đó, mở rộng chủ quyền đối với các vùng biển, lãnh hải có nguồn dự trữ dầu lớn là một trong những biện pháp mà Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện, nhất là đối với vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với hàng loạt quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei…
Vừa qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng của Chính phủ Mỹ (EIA) công bố số liệu về nguồn tài nguyên khoáng sản dự đoán tại Biển Đông, được cho là rất giàu tiềm năng. Theo bản công bố này, vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam có một lượng dự trữ khí hydrocarbons khổng lồ, ước tính chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và dự trữ khoảng 900 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên.
Những dự đoán này của EIA thấp hơn nhiều so với dự đoán của cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, tính toán rằng khu vực Biển Đông có thể chứa đến 18 tỷ thùng dầu. Thậm chí phía Trung Quốc tính toán rằng Biển Đông có thể chứa đến gần 200 tỷ thùng dầu.
Hành động ngày càng ngang nhiên và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông như cử cảnh sát biển đuổi tàu đánh cá của các quốc gia có chủ quyền, cử đội tuần tra biển hùng hậu sục sạo trong khu vực, cho các đoàn khảo sát làm việc trên vùng tranh chấp. Hành động ngang ngược nhất là việc xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là những ví dụ cho mưu đồ thâu tóm nguồn dầu mỏ ở Biển Đông của Trung Quốc.
Những bước đi ngày càng ngông cuồng khẳng định tham vọng trở thành một cường quốc hàng hải của Trung Quốc cũng như cơn “khát” đối với mỏ dầu khổng lồ đang nằm yên dưới các tầng địa chất trong khu vực Biển Đông sẽ đẩy khu vực này vào những cuộc căng thẳng và xung đột kéo dài?