Trung Quốc quyết tâm giành Điếu Ngư/Senkaku
Theo tờ Thời báo New York (New York Times), bản thân động thái cử máy bay bay chưa tới 30 phút quanh khu vực Senkaku chưa có ý nghĩa gì nhiều. Những chiếc máy bay F-15 của Nhật Bản đã được điều động ra đến Senkaku thì máy bay Trung Quốc đã rời đi.
Hôm 14/12, máy bay hải giám Trung Quốc lần đầu tiên bay ra không phận Senkaku/Điếu Ngư. |
Nhưng chuyến bay này của phía Trung Quốc là một phần trong chiến thuật leo thang hoạt động không quân, hải quân và các hoạt động tuyên truyền của nước này chống lại Nhật Bản. Theo các nhà phân tích, chiến lược này của Trung Quốc được xây dựng cách đây 3 tháng, và đã được ông Tập Cận Bình xét duyệt, để đạt mục tiêu giành lại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Theo truyền thông Trung Quốc, chỉ vài ngày trước khi máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản, 4 tàu chiến nước này sau khi hoàn thành một cuộc tập trận đã tiến vào vùng biển gần Senkaku, chạy lòng vòng trong khoảng 5 giờ đồng hồ và sau đó rời đi.
Mặc dù các tàu thi hành luật của Trung Quốc vẫn đều đặn tiến đến vùng biển này kể từ hồi tháng 9 nhưng theo các nhà phân tích, việc tàu hải quân nước này xuất hiện tới 3 lần cùng với hành động xâm nhập vừa qua của máy bay hải giám đã đẩy cuộc tranh chấp Nhật – Trung tiến thêm những bước nguy hiểm.
Theo các nhà phân tích, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng đơn phương thay đổi tình trạng của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà chính quyền Nhật đã quản lý trong nhiều thập kỷ qua, cố tình sử dụng các chuyến tuần tra không quân và hải quân làm bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của nước này.
“Trung Quốc đang thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo này bằng cách điều động tàu và máy bay ”, M. Taylor Fravel, giáo sư khoa học chính trị tại Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ, nhận xét.
Theo ông Fravel, mục tiêu của Trung Quốc là nhằm ngăn chặn Nhật Bản thực hiện các dự án phát triển quần đảo này tuy nhiên vẫn có nguy cơ một biến cố bất ngờ xảy ra trên biển hoặc trên không giữa 2 bên sẽ tiến triển ngoài tầm kiểm soát và đem lại những hậu quả khôn lường.
Nhật Bản cho rằng Trung Quốc không có cơ sở nào cho tuyên bố chủ quyền của mình. Các quan chức Nhật Bản nói rằng Trung Quốc chỉ bắt đầu chính tức đưa ra tuyên bố chủ quyền vào đầu thập niên 70 sau khi phát hiện ra vùng biển xung quanh quần đảo này có trữ lượng dầu khí lớn.
Căng thẳng về tranh chấp chủ quyền bắt đầu gia tăng từ tháng 9 khi chính phủ Nhật quyết định mua lại 3 trong số 5 quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ người chủ tư nhân sau khi Thị trưởng Tokyo khi đó tuyên bố sẽ quyên tiền mua lại quần đảo này. Trong khi chính phủ Nhật khẳng định hành động này là nhằm làm giảm căng thẳng và sẽ không xây dựng cơ sở hạ tầng trên Senkaku/Điếu Ngư thì Trung Quốc coi vụ mua lại đảo là một hành động khiêu khích.
Trung Quốc bắt đầu gia tăng sức ép khi Nhật Bản chuẩn bị tiến hành cuộc tổng tuyển cử mà lãnh đạo đảng bảo thủ Dân chủ tự do (LDP) Shinzo Abe có khả năng trở thành thủ tướng lần thứ 2. Trong quá khứ, mặc dù ông Abe đã nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc nhưng ông cũng được biết đến là một nhân vật “diều hâu” thực hiện các chiến dịch củng cố các lực lượng quốc phòng Nhật Bản để đối phó với các thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc. Trong khi hải quân Nhật Bản được coi là một trong những lực lượng hải quân tinh vi nhất thế giới thì Trung Quốc lại đang tăng cường năng lực hải quân của mình.
Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được đề cử làm lãnh đạo Bộ chính trị, cơ quan quyền lực giám sát trực tiếp các cuộc tranh chấp hàng hải của nước này, 2 tháng trước khi ông trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản và là Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích Trung Quốc và phương Tây, điều đó có nghĩa là ông Tập đã có tiếng nói quyết định trong việc thực thi chiến lược của Trung Quốc đối với Nhật Bản.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tập trung mạnh vào việc tăng cường năng lực hàng hải. Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào phát biểu tại Đại hội Đảng 18 rằng Trung Quốc cần phải trở thành một cường quốc hàng hải. Ngoài việc thực hiện chuyến công du đến miền nam Trung Quốc, ông Tập còn đến thăm tàu Hải Khẩu, một trong những con tàu khu trục tân tiến nhất của nước này thường thực hiện các chuyến tuần tra trên Biển Đông và một khu vực tranh chấp khác ngoài khơi Trung Quốc.
Kể từ tháng 9, tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên tiến ra vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
Cuộc tranh chấp chủ quyền về Senkaku đã gây thiệt hại lớn cho Nhật Bản, nhưng Trung Quốc cũng bị “xây xát”.
Các nhà kinh tế học Nhật bản cho biết doanh số bán xe hơi của Nhật Bản đã sụt giảm nghiêm trọng vào tháng 9 và tháng 10 nhưng sau đó đã có tín hiệu hồi phục nhẹ.
Một số nhà sản xuất Nhật Bản ở Trung Quốc, bao gồm Toyota và Sony đã dừng sản xuất sau khi xảy ra các cuộc biểu tình chống Nhật và sa thải các nhân viên Trung Quốc đòi tăng lương. Một số nhà kinh tế học Trung Quốc đã cảnh báo chính phủ nước này rằng chiến dịch tẩy chay hàng Nhật Bản trên qui mô lớn có thể sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm nghiêm trọng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng kém đi.
Trong khi mối quan hệ Nhật – Trung không có triển vọng sớm quay trở lại bình thường, một số nhà sản xuất Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm nơi sản xuất thay thế Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, như Myanmar, nơi lương công nhân thấp hơn và người lao động ít đòi hỏi hơn.
Khi cuộc tranh chấp tiếp diễn, những lời lẽ và hành động của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế cũng leo thang.
Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì viết trong một bài báo trên tờ Nhân dân nhật báo rằng Trung Quốc sẽ “kiên quyết đấu tranh với phía Nhật Bản” về cái mà ông gọi là hành động mua lại đảo trái phép.
Hôm 14/12, Trung Quốc đã gửi hồ sơ lên Liên Hợp Quốc khẳng định Senkaku/Điếu Ngư thuộc về thềm lục địa của nước này trên biển Hoa Đông, một bước tiến nhằm khẳng định cái mà nước này gọi là quyền lợi hợp pháp của mình.
Vào trung tuần tháng 9 khi mà cuộc tranh chấp đang ở giai đoạn cao trào, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng đã cảnh báo về kế hoạch không lùi bước của nước này.
Đề cập đến những lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong bộ hồ sơ trình lên Liên Hợp Quốc, ông Le nói rằng: “Đó là những lời tuyên ngôn về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc” và rằng Trung Quốc “sẽ thực hiện các biện pháp ăn miếng trả miếng để bảo vệ lãnh thổ của mình khi cuộc tranh chấp tiếp diễn”.