Trung Quốc "quả quyết" xử lý tranh chấp chủ quyền không cần tới tàu sân bay Liêu Ninh
Bắc Kinh khẳng định, việc tàu sân bay Liêu Ninh đi qua biển Hoa Đông không liên quan tới các tranh chấp chủ quyền của nước này ở khu vực mà đây chỉ là một phần trong chương trình diễn tập quân sự thường kỳ.
Trước đó, hãng tin NHK đưa tin Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của hải quân Trung Quốc, đã cùng một số tàu chiến đi qua eo biển Miyako, khu vực chia cắt hai đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản trên hành trình tới Thái Bình Dương.
Trung Quốc quả quyết xử lý tranh chấp chủ quyền mà không cần tới tàu sân bay Liêu Ninh. |
Bắc Kinh gọi đây là sứ mệnh thường xuyên và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng quyền đi qua biển Hoa Đông của Trung Quốc.
Bài báo của Xiakedao, một tài khoản mạng xã hội trên tờ People’s Daily bình luận tàu sân bay Liêu Ninh không đóng bất cứ vai trò gì trong chuyện tranh chấp chủ quyền.
Thay vào đó, Xiakedao cho rằng Liêu Ninh đảm nhận bảo vệ các tuyến đường hàng hải, tiến hành ngoại giao hải quân, các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai.
“Dường như các tàu sân bay Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia vào giải quyết tranh chấp chủ quyền với những quốc gia láng giềng. Quân đội Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn như máy bay tầm xa, tên lửa và tàu khu trục để giải quyết tranh chấp chủ quyền. Tại sao lại cần phải dùng tới tàu sân bay”, bài báo của Xiakedao viết.
Còn theo bức ảnh được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, sứ mệnh tới Thái Bình Dương của tàu sân bay Liêu Ninh có sự tham gia của ít nhất 5 chiến hạm khác gồm 2 tàu khu trục tên lửa, 2 tàu hộ vệ và 1 tàu cung ứng.
Sự xuất hiện lần đầu tiên trong đội hình tàu sân bay Liêu Ninh của tàu hỗ trợ tấn công nhanh Type 901 Hulun Lake 45.000 tấn cho thấy, Liêu Ninh đang trên đường làm nhiệm vụ ở vùng biển xa.
“Điều này có nghĩa Liêu Ninh đang thực hiện chuyến đi dài ngày. Đội hình tàu sân bay cho thấy, Liêu Ninh có thể hoạt động ở những khu vực xa xôi trên Thái Bình Dương”, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời chuyên gia hải quân Li Jie.
Cũng theo ông Li, việc tàu cung ứng đi theo nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ cho phép Liêu Ninh di chuyển trên hành trình dài 10.000 hải lý hay hàng ngàn giờ hoạt động trên biển. Đây là lần đầu tiên Liêu Ninh di chuyển tới Thái Bình Dương sau khoảng thời gian bảo dưỡng dài ngày hồi đầu năm nay.
Trong khi đó, eo biển Miyako có chiều rộng 300 km là tuyến đường thuận tiện nhất để lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc di chuyển tới Tây Thái Bình Dương qua chuỗi đảo thứ nhất.
“Eo biển Miyako đủ rộng và điều kiện đi biển ổn định. Các sứ mệnh huấn luyện ở Thái Bình Dương sẽ trở nên thường xuyên hơn và các tàu sân bay khác của Trung Quốc chắc chắn sẽ đi qua tuyến đường này”, ông Li chia sẻ.
Lần đầu tiên Liêu Ninh đi qua eo biển Miyako là vào tháng 12/2016 cùng với 8 tàu chiến khác. Đây cũng là sứ mệnh tới Thái Bình Dương lần đầu của tàu sân bay Liêu Ninh. Hồi tháng 4/2018, Liêu Ninh cùng đội tàu họ tống tiến hành một đợt tập trận ở Thái Bình Dương sau khi đi qua eo biển Ba Sĩ, khu vực nằm giữa Philippines và Đài Loan.
Ngoài Liêu Ninh, Trung Quốc đã cho đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Type 001A. Trong đó, Type 001A đang tiến hành chạy thử trên biển và sẽ hoạt động đầy đủ chức năng vào cuối năm nay. Chiếc tàu sân bay nội địa thứ hai cũng đang được Trung Quốc sản xuất.
Hồi năm 2017, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian từng đưa ra tuyên bố hải quân Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động ở eo biển Miyako cho tới khi phía Nhật Bản “làm quen với chuyện này”.
Video: Toàn cảnh tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc