Trung Quốc phát hoảng với "đòn li gián” cao tay của Nhật Bản
Theo thỏa thuận này, ngư dân Đài Loan được vào vùng đặc quyền kinh tế gần đảo Senkaku để đánh bắt cá, nhưng vẫn phải giữ khoảng cách 12 hải lý với đảo này. Điều này có lợi cho ngư dân Đài Loan, nhưng lại là một lời tuyên bố về “chủ quyền” của Nhật Bản đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu phòng vệ Nhật Bản từng chặn tàu Đài Loan thâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư |
Nhật Bản và Đài Loan đã trì hoãn tiến hành kí kết thỏa thuận này trong suốt 4 năm. Nhưng khi tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản lại dùng thỏa thuận này để xoa dịu Đài Loan, làm lung lay lập trường bảo vệ Điếu Ngư Đài ủa Đài Loan.
Tờ Thời báo hoàn cầu phân tích rằng, do điều này liên quan đến lợi ích của ngư dân Đài Loan, nên phản ứng hôm qua của phía Trung Quốc đại lục là khá thận trọng. Theo phía Trung Quốc, rõ ràng là Nhật Bản đang cố tình đào một hố sâu ngăn cách Bắc Kinh và Đài Bắc về việc giành chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư.
Trước đây, Đài Loan tuyên bố Điếu Ngư thuộc quản lý hành chính của huyện Nghi Lan. Năm 2012, Đài Loan từng đưa tàu chở các nhà hoạt động đến Điếu Ngư với ý định lên đảo tuyên bố chủ quyền, nhưng bị phía Nhật Bản ngăn cản. Đặc biệt, hồi tháng 9/2012, tàu Nhật Bản và tàu Đài Loan từng “đấu vòi rồng” khi hàng chục tàu cá Đài Loan định thâm nhập vùng biển Senkaku.
Tờ Thời báo hoàn cầu bình luận: “Thái độ hòa hoãn kí thỏa thuận lần này của Đài Loan khác hẳn với việc họ kiên quyết bảo vệ đảo trước kia”.
Phía Trung Quốc cho rằng, họ có nhiệm vụ bảo vệ đảo Điếu Ngư, họ chỉ muốn phía Đài Loan cùng phối hợp. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nếu Nhật Bản kí thỏa thuận chỉ với ý định tạo điều kiện cho ngư dân Đài Loan thì đó là điều đáng vui mừng. Nhưng nếu Nhật Bản muốn dùng thỏa thuận này là một chiêu mới đối phó với Bắc Kinh thì quả thật có nhiều điều phải xem xét.
Lo sợ Nhật Bản “li gián” hai bờ eo biển trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, phía Trung Quốc luôn cho rằng, việc bảo vệ Điếu Ngư là ý nguyện của “toàn Trung Quốc”, Nhật Bản muốn kiên trì lập trường của mình thì phải đối đầu lâu dài với “toàn Trung Quốc”.
Trung Quốc cho rằng, về vấn đề đảo Điếu Ngư, Đài Loan đã đặt lợi ích của mình “quá lớn”, nhiều cư dân mạng tại Trung Quốc đại lục đã chỉ trích Đài Loan. Báo chí Trung Quốc thì xoa dịu Đài Loan khi họ khẳng định sẽ không chuyển căng thẳng tranh chấp tại Điếu Ngư với Nhật Bản sang phía Đài Loan.