Trung Quốc “nổi khùng” trước tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước G7
“Chúng tôi kêu gọi các nước G7 hãy tôn trọng cam kết không thiên vị bất cứ bên nào trong các vấn đề tranh chấp biển đảo”, thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Ảnh chụp các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Vành Khăn, thuộc quân đảo Trường Sa. |
Bộ này nói thêm, nhóm nước G7 nên chú ý vào vấn đề kinh tế toàn cầu và hợp tác để vượt qua tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp thay vì thổi bùng tranh chấp và gây ra những vấn đề chính trị.
Vào ngày 10/4, Ngoại trưởng các nước G7 đã đưa ra tuyên bố chung sau khi kết thục hội nghị tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản) rằng họ phản đối “bất kỳ hành vi đơn phương khiêu khích, cưỡng ép và đe dọa có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và gia tăng căng thẳng” ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm vào năm 2012 trên quần đảo Hoàng Sa. Không chỉ có vậy, Bắc Kinh còn cho xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên quần đảo Trường Sa và cho hạ đặt dàn khoan dầu tại vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang tranh chấp quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Mặc dù có những hành động gây hấn vi phạm luật pháp quốc tế như trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khăng khăng khẳng định nước này có quyền xây dựng trên đảo Trường Sa và không cản trở quyền tự do đi lại trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bộ này cũng nói thêm rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận những vụ kiện quốc tế “bất hợp pháp”, ám chỉ việc Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
“Chúng tôi yêu cầu các nước G7 tôn trọng những nỗ lực mà các nước trong khu vực đã làm, ngừng những phát ngôn vô trách nhiệm và thực sự đóng góp tích cực đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”, thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.