Trung Quốc: Ngày càng nhiều vụ tấn công đẫm máu tại Tân Cương
Hôm 13/2, một người đàn ông đã bất ngờ tấn công một nhân viên cảnh sát và sau đó tự cho nổ túi thuốc nổ giấu trong người, khiến 8 người thiệt mạng. Chỉ 3 ngày sau, một người đàn ông cùng con của mình đã thiệt mạng trong vụ đụng độ với cảnh sát. Tiếp sau đó 4 ngày, 4 nhân viên cảnh sát bị đâm trọng thương dẫn tới tử vong, trong khi 9 nghi phạm tấn công bị lực lượng chức năng bắn chết và 4 người đi đường cũng không may thiệt mạng.
Phải chăng những vụ án này xảy ra tại Mỹ hay châu Âu? Bởi trong thời gian gần đây, giới truyền thông liên tục đưa tin về những vụ án tấn công bất ngờ xảy ra tại 2 khu vực này, khiến lãnh đạo các nước đau đầu tìm câu trả lời bằng cách nào và nguyên nhân từ đâu dẫn tới những vụ án trên. Hay các cuộc tấn công này xảy ra tại Iraq, Pakistan, hay Syria như thường lệ?
Cảnh sát Trung Quốc làm nhiệm vụ truy quét nghi phạm khủng bố tại Tân Cương. |
Tuy nhiên, một đài phát thanh được Quốc hội Mỹ tài trợ và phát thanh bằng 9 thứ tiếng Á châu, đã xác nhận các vụ án kinh hoàng trên đều xảy ra tại Trung Quốc.
Điều đáng nói, cả 3 vụ án trên đều xảy ra tại khu tự trị Tân Cương, khu vực phía tây Trung Quốc và được chính quyền Bắc Kinh coi là một trong những điểm nóng bất ổn và bạo lực nhất với sự trỗi dậy của nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Hiện nay, số người Duy Ngô Nhĩ mà phần lớn theo đạo Hồi và nói tiếng Turk, chiếm khoảng 40% trong tổng số 22 triệu dân sinh sống tại Tân Cương. Họ cũng là những người muốn ly khai khỏi đất nước Trung Quốc để thành lập cái gọi là nhà nước độc lập Đông Turkestan. Thậm chí, một số người Duy Ngô Nhĩ còn có xu hướng đi theo tư tưởng hồi giáo cực đoan tại Trung Đông.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra ưu tiên hàng đầu trong việc trấn áp và tái thiết lập tình trạng an ninh tại Tân Cương, vùng đất với trữ lượng dầu mỏ và than đá dồi dào đồng thời là vựa thu hoạch hàng đầu trên thế giới về bông và khoai tây.
Điển hình, trong năm 2014, ông Tập đã cho phát động chiến dịch "đàn áp thẳng tay" những đối tượng bị nghi ngờ tổ chức tấn công khủng bố hoặc truyền bá tư tưởng ly khai tại Tân Cương. Theo đó, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã cho bắt giữ số nghi phạm trong năm 2014 tăng gấp đôi so với năm 2013.
Học giả Ilham Tohti bị tòa án Trung Quốc tuyên án chung thân trước cáo buộc truyền bá tư tưởng ly khai. |
Thậm chí, một số nhân vật người Duy Ngô Nhĩ làm việc trong các tổ chức của chính phủ Trung Quốc cũng đã bị đưa ra xét xử và phạt tù như trường hợp của học giả Ilham Tohti. Hồi tháng Chín năm ngoái, ông Tohti, một người có công lớn trong việc cải thiện nền kinh tế cho người Duy Ngô Nhĩ, đã bị tòa án Trung Quốc phạt tù chung thân trước cáo buộc truyền bá tư tưởng ly khai.
Liệu rằng chiến dịch chống khủng bố của ông Tập đã phát huy hiệu quả hay nó lại gây phản tác dụng so với mong đợi của chính quyền Trung Quốc? Câu hỏi này sẽ không được giải đáp chính xác bởi thực tế, có rất ít thông tin trên báo chí Trung Quốc nhắc tới các vụ tấn công xuất phát từ chiến dịch trấn áp của chính phủ cũng như sự mở rộng ngày càng lớn của chủ nghĩa cực đoan tại Tân Cương.
"Tình trạng bạo lực thực sự đã gia tăng kể từ năm 2013 và kể từ đó, các cuộc tấn công chưa có dấu hiệu dừng lại. Điển hình, chúng tôi đã ghi nhận 3 vụ án tấn công nghiêm trọng trên nhưng giới truyền thông Trung Quốc lại không đưa tin về những vụ việc này", tờ New York Times dẫn lời ông Nicholas Bequelin, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức Giám sát nhân quyền khu vực châu Á cho biết.
Shohret Hoshur, một nhà báo có 8 năm làm việc cho kênh thông tin phục vụ người Duy Ngô Nhĩ ở Đài Á châu Tự do tại Washington và cũng chính là người phỏng vấn các quan chức địa phương xác nhận về 3 vụ tấn công trên, ước tính chỉ có 5% số vụ tấn công được truyền thông Trung Quốc đưa tin bao gồm hãng tin Tân Hoa Xã và Tianshan Net, cổng thông tin của chính quyền Tân Cương.
Trong khi đó, chỉ có những vụ tấn công xảy ra với quy mô lớn với nhiều người thiệt mạng tại những khu vực thành phố đông dân và bên ngoài Tân Cương mới được truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Điển hình, vụ tấn công hồi tháng 3/2014 tại nhà ga Côn Minh, thành phố phía tây nam tỉnh Vân Nam, mà thủ phạm được xác định là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, cướp đi sinh mạng của 29 người dân và 4 kẻ tấn công. Hay vụ đánh bom hồi tháng 5/2014 tại khu chợ đông đúc ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, làm hơn 30 người thiệt mạng.
Ngoài ra, còn có vụ lao xe ô tô vào đám đông du khách ở Quảng trường Thiên An Môn tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 10/2013.
Quang cảnh vụ đánh bom kinh hoàng tại khu chợ đông đúc ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, làm hơn 30 người thiệt mạng. |
Tuy nhiên, những vụ tấn công tại Tân Cương vào tháng này có mức độ manh động như trên nhưng lại không được báo chí Trung Quốc đưa tin. Theo ông Hoshur, hôm 13/2, tại địa khu Hotan, phía tây nam Tân Cương, một vụ đánh bom tự sát đã được Đài RFA đưa tin sau khi xác nhận thông tin từ bệnh viện và quan chức địa phương.
Chỉ 4 ngày sau, tại hạt Baicheng thuộc địa khu Aksu, trong khi cảnh sát tiến hành lục soát một ngôi nhà đã không may phải đối đầu với một vụ tấn công bằng dao và súng, làm 17 người thiệt mạng. Chia sẻ với Đài RFA, một quan chức địa phương cho hay cảnh sát trưởng của địa phương cũng nằm trong số những người thiệt mạng sau vụ tấn công này.
Khi các phóng viên gọi điện để nhờ quan chức địa phương xác nhận về vụ án trên, một phát ngôn viên giấu tên của Sở cảnh sát hạt Yecheng chỉ cho biết: "Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra và đừng hỏi chúng tôi thêm nữa".
Đáng nói, ngay cả 3 người anh em của ông Hoshur cũng đang phải ngồi tù tại Tân Cương. Trong đó, một người đã phải nhận bản án tù 5 năm vào hồi năm ngoái trước cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia, theo thông tin từ Ủy ban Bảo vệ nhà báo đưa tin hồi tháng Một năm nay. Sau khi ông Hoshur nói chuyện qua điện thoại với 2 người anh em còn lại về vụ việc trên, 2 người này cũng đã bị bỏ tù mà không rõ tội danh.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ tờ The New York Times. Đây là một nhật báo trực thuộc Công ty New York Times, được phong tặng tên hiệu "Bà tóc bạc" ("Gray Lady") và được xem là tờ báo danh giá (newspaper of record) và quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.