Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
Rót tiền không điều kiện
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các hứa hẹn đầu tư hay viện trợ kinh tế cho các nước châu Phi. Tại diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi diễn ra tại Ai Cập hồi năm 2009, Trung Quốc cũng đã từng tuyên bố sẽ rót vào châu Phi 10 tỷ USD và tại diễn đàn này trong năm 2012 Trung Quốc tuyên bố tăng gấp đôi khoản viện trợ (đào tạo nhân lực, cung cấp học bổng, chăm sóc y tế…) và đầu tư (xây dựng cơ sở hạ tầng) cho châu Phi.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố sẽ tăng gấp đôi số tiền viện trợ và đầu tư cho châu Phi (lên 20 tỷ USD) trong vòng 3 năm tới. |
Với những cam kết này, Trung Quốc đã bỏ xa các nước phương Tây trong các hoạt động viện trợ, đầu tư vào lục địa đen và được một số nhà lãnh đạo quốc gia châu Phi “chào đón nhiệt liệt” khi sẵn sàng cung cấp các khoản vay tài chính, sẵn sàng đầu tư xây dựng đường xá, đường sắt và các công trình cơ sở hạ tầng khác mà không đòi hỏi gì thêm.
Không chỉ có thế, Trung Quốc tỏ ra khác biệt và được lòng châu Phi hơn nhiều so với các nước phương Tây khi hoàn toàn không quan tâm đến các vấn đề như nhân quyền hay đưa ra những lời chỉ trích vào hoạt động nội bộ của những nước châu Phi.
Nhưng chỉ cần nhìn kỹ lại vào những dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang đầu tư người ta sẽ dễ dàng nhận thấy “cái đích” mà họ đang nhắm tới ở châu Phi chính là sớm tiếp cận được những nguồn dầu mỏ hay tài nguyên thiên nhiên khác đang còn khá nhiều ở châu Phi. Một số nhà lãnh đạo quốc gia châu Phi đã sớm nhận ra điều này và thể hiện sự lo ngại thực sự trước “tấm thịnh tình bất ngờ” của Trung Quốc.
Ngay tại Diễn đàn hợp tác châu Phi – Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh hôm 19/7, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã lên tiếng kêu gọi châu Phi cần “thận trọng” trong các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. “Châu Phi đã đóng góp vào sự phát triển của Trung Quốc bằng việc cung cấp nguyên liệu thô và các sản phẩm khác. Xu hướng thương mại này là không bền vững xét về lâu dài”, ông Zuma phát biểu ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết sẽ cho các nước châu Phi vay thêm 20 tỉ USD trong ba năm tới, “Kinh nghiệm kinh tế quá khứ của châu Phi với châu Âu cho thấy sự cần thiết phải cẩn trọng khi hợp tác với các nền kinh tế khác”.
Dẫu vậy, những vụ đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi trong một số năm gần đây cho thấy họ đã thu được những thành công đáng kể. Kim ngạch thương mại tăng gấp 3 lần trong 3 năm trở lại đây và đạt mức 166 tỷ USD trong năm 2011. Từ năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua cả Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi (theo số liệu của Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển - OECD). Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra khá sốt sắng trong việc thắt chặt quan hệ kinh tế với châu lục này và chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch thương mại.
Dù các dự án do Bắc Kinh đầu tư vào châu Phi ngày càng nhiều nhưng có đến 90% số việc làm từ những dự án này rơi vào tay công nhân Trung Quốc, người dân bản xứ gần như không được tham gia và vấn đề giải quyết việc làm đã không đạt được kết quả. (Ảnh minh họa) |
Không chỉ “lấy lòng” các nhà lãnh đạo châu Phi, Trung Quốc còn thành công trong việc truyền bá mô hình phát triển kinh tế của mình. Như tờ Thời báo phố Wall từng nhận xét: “Các nhà lãnh đạo của châu Phi từ Nam Phi cho đến Ethiopia đều đang coi Trung Quốc là hình mẫu phát triển kinh tế đáng để học tập trong đó nhấn mạnh đến vai trò đầu tầu của chính phủ trong tăng trưởng… trái ngược với kiểu mô hình nền kinh tế thị trường tự do vẫn được Mỹ thúc đẩy trên khắp thế giới”.
Viên đạn bọc đường sắp lộ diện
Nhờ sự dễ dãi của mình, Trung Quốc đã được các quốc gia nghèo đói và bất ổn nhất châu Phi như Zimbabwe, Ethiopia, Angola, Congo và Sudan “mở cửa” chào đón. Hầu hết tất cả các quốc gia này đều có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản phong phú để “đánh đổi”.
Nhưng dầu mỏ hay khoáng sản thô chưa phải là thứ duy nhất Trung Quốc đang tìm kiếm ở châu Phi. Lợi dụng tâm lý ham hàng hóa rẻ do người dân có thu nhập thấp ở châu Phi, Trung Quốc đã biến cả châu lục này thành một địa điểm lý tưởng để tiêu thụ hàng hóa chất lượng kém của mình. Tình trạng còn tồi tệ đến mức nhiều nhà lập pháp cũng như các chuyên gia kinh tế của châu Phi đã lên tiếng cảnh báo chính phủ cần sớm có biện pháp ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc trước khi nhiều ngành kinh tế còn non trẻ của họ “chết ngạt trong đống rác hàng hóa made in China”.
Khi tiếp nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc, nhiều chính phủ ở châu Phi đã hy vọng họ sẽ giải quyết được phần nào vấn đề công ăn việc làm cho công dân nước mình. Nhưng thực tế lại không được đẹp đẽ như vậy. Theo ước tính của các tổ chức nghiên cứu kinh tế, có tới gần 90% số công việc tại các dự án của Trung Quốc đang rơi vào tay lao động Trung Quốc còn người dân bản xứ đành chịu đứng nhìn một cách thèm thuồng hay chỉ được chia lại phần “xương xẩu” nhất. Tại cuộc bầu cử Tổng thống Zambia hồi năm ngoái, các “chính sách kinh tế vụ lợi” và “chính sách thực dân kiểu mới” của Trung Quốc đã bị cử tri nước này chỉ trích một cách kịch liệt.
Các công việc từ kỹ thuật đến phổ thông đều do công nhân Trung Quốc đảm nhiệm. |
Dù mạnh tay vung tiền và liên tục rêu rao về “lòng tốt” của mình như: hỗ trợ và đầu tư vào châu Phi vì “tình thân ái” hay “người Trung Quốc và người châu Phi đối xử với nhau như bạn bè tốt, anh em tốt” nhưng những gì đang diễn ra trên thực tế đã dần dần chỉ rõ mưu đồ của Trung Quốc. Và đó có thể là lý do chính lý giải vì sao tại diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi vừa qua, ngay tại bàn hội nghị được mở tại Bắc Kinh, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và một số nhà lãnh đạo khác đã không kiêng nể chủ nhà và có những lời lẽ thực sự làm Bắc Kinh không hài lòng.
Vấn đề mấu chốt cuối cùng là: Nói như thế nhưng liệu châu Phi có đủ sức cưỡng lại những cám dỗ từ đồng nhân dân tệ?
T.D.P