Trung Quốc "mồi chài" Nga ủng hộ mình trong vụ kiện của Philippines ở Biển Đông?
Mở đầu bài bình luận, Sputnik đặt câu hỏi: Liệu những nỗ lực của Washington là nhằm duy trì tự do hàng hải trong khu vực hay là nhằm viết ra các quy tắc và thống trị khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Sputnik cũng cho rằng, Mỹ đang rất lo ngại về việc Nga phản đối quốc tế hóa những tranh chấp Biển Đông và việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD (Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối) ở Hàn Quốc.
Theo Sputnik, sự ủng hộ của Moscow với Bắc Kinh có thể buộc Mỹ giảm những áp lực hay nhượng bộ với Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông. Nhiều nhà phân tích địa chính trị Mỹ cho rằng đây là động thái đáng ngại.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Vương Nghị phía Trung Quốc. |
Trong bài bình luận trên trang Forbes hôm 1/5, ông Tim Daiss cho hay: “Trung Quốc và Nga đã thống nhất về sự cần thiết phải hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hôm 29/4, sau các cuộc đối thoại song phương tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Vương Nghị phía Trung Quốc đã cùng thể hiện sự phản đối với việc Mỹ triển khai hệ thống chống tên lửa ở Hàn Quốc và cũng cho rằng các bên không có tranh chấp không nên đứng về bên nào trong các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông”.
Theo ông Daiss, tuyên bố trên và cụ thể là việc Nga giúp Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông sẽ gây ra mâu thuẫn lớn trong lời nói và hành động của cả hai nước này. Nga chỉ trích Mỹ can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông vì Mỹ không phải là bên có tranh chấp. Vậy nếu Nga tham gia vào các tranh chấp này có hợp lý hay không khi Nga cũng không phải bên có tranh chấp ở Biển Đông?
Điều đáng nói nữa là, Ấn Độ cũng đang thể hiện một quan điểm tương tự.
Ngoại trưởng Nga - Trung - Ấntại Moscow hôm 18/4/2016. |
Thông cáo chung của hội nghị lần thứ 14 giữa Ngoại trưởng Nga - Trung - Ấn diễn ra hôm 18/4 tại Moscow cho hay: "Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cam kết duy trì một trật tự pháp lý về các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tất cả các tranh chấp liên quan cần phải giải quyết thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Các Ngoại trưởng Nga, Ấn Độ và Trung Quốc kêu gọi tôn trọng đầy đủ tất cả các điều khoản của UNCLOS cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như Hướng dẫn thực thi DOC".
Ngoài ra, theo nhiều phương tiện truyền thông, Trung Quốc đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga khi Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) ra phán quyết về vụ kiện với Philippines sắp tới. Hôm 20/4, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) nhận định: “Trung Quốc đang mời chào Nga cùng phản đối phán quyết của tòa án quốc tế trong vụ kiện với Philippines về những tranh chấp ở Biển Đông”. Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) dự định sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện vào tháng 5 hoặc 6/2016.
Trung Quốc đang tìm cách chèn ép các nước láng giềng nhỏ hơn. |
Nhà báo Alexander Shpunt thuộc tờ Regnum của Nga bình luận, Bắc Kinh có lý do để tin rằng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ Moscow mặc dù điều này rất mâu thuẫn bởi PCA giải quyết vụ kiện của Philippines dựa trên các nguyên tắc của UNCLOS, trong khi đó Nga, Trung Quốc lại tuyên bố sẽ tôn trọng UNCLOS. Một điều đáng chú ý là từ trước đến nay, Ngoại trưởng Nga vẫn một mực khẳng định quốc gia này "đứng ngoài" trong tranh chấp Biển Đông.
Trong bài báo của mình, Shpunt nhấn mạnh sự ủng hộ của Moscow (nếu có) sẽ giúp ích được rất nhiều cho Bắc Kinh bởi Moscow đã từng “lấn át” PCA.
Ông dẫn đến một sự việc hồi năm 2014 khi Moscow thắng công ty dầu Yukos cũng trong vụ kiện tại PCA. Cuối cùng, không những không được Moscow bồi thường 50 tỷ USD như yêu cầu trước đó, 4 cổ đông của Yukos kiện chính quyền Moscow còn phải chịu 16.801 euro án phí.
Tuy nhiên, trường hợp này không giống nhưa vậy bởi theo ông Daiss, Bắc Kinh rõ ràng là bên gây căng thẳng và tạo ra nhiều vấn đề cho khu vực, và đang có kế hoạch chèn ép các nước láng giềng nhỏ hơn. Đó chính là lý do Trung Quốc khăng khăng đòi đàm phán với từng quốc gia riêng lẻ. Với kế hoạch đó, Bắc Kinh có thể ép các nước nhỏ hơn bằng các “quân bài” kinh tế và quân sự.
Hơn nữa, những căn cứ mà Bắc Kinh đưa ra để khẳng định những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hết sức phi lý.
Ông Daiss nhấn mạnh: “Ai biết được tương lai địa chính trị sẽ ra sao. Một ngày nào đó, điện Kremlin có thể sẽ hối tiếc vì Mỹ không can thiệp vào các vấn đề ở Biển Đông”. Ông nhấn mạnh, trường hợp đó có thể xảy ra bởi mối quan hệ Bắc Kinh và Moscow từ trước tới giờ không phải lúc nào cũng tốt đẹp.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.