Trung Quốc 'mất ngủ' vì lo sợ Nhật thân thiết với ASEAN
Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe |
Trong bài báo đăng trên tờ The Nation (Thái Lan), tác giả Kavi Chongkittavorn đã giải thích cho sự nhầm lẫn cơ bản này của các nhà bình luận và học giả quốc tế rằng, một Nhật Bản mà Đông Nam Á đang nhìn thấy hiện nay rất khác so với một Nhật Bản trong quá khứ dù sự hiện diện của đất nước mặt trời mọc trong khu vực chưa bao giờ bị gián đoạn.
“Các nước ASEAN đã quen với một Nhật Bản thường giữ thái độ im lặng và tỏ ra ‘đứng ngoài’ mọi vấn đề của khu vực. Nhưng trong những năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng, tiếng nói của Nhật Bản ở Đông Nam Á đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Người ta ngạc nhiên và cho rằng Nhật Bản đang thi hành chính sách ‘Trở lại Đông Nam Á’. Nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm”, tác giả Kavi Chongkittavorn viết trên tờ The Nation, “Nhật Bản chỉ phát triển mối quan hệ của mình với ASEAN lên một tầm cao mới với những sự hợp tác sâu hơn và rộng hơn trước mà thôi”.
Có vẻ như Kavi Chongkittavorn đã đúng. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ nhất đối với sự phát triển kinh tế của khu vực. Nhật Bản còn là một trong những nước dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ cũng như trở thành cầu nối tuyệt vời giữa các nước thành viên có sự khác biệt về ý thức hệ thông qua các khoản đầu tư dài hạn và việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Nếu không có Nhật Bản, ASEAN gần như sẽ không thể có sự thịnh vượng và ổn định kinh tế như hiện nay.
Mặc dù sự tích cực gần đây của Nhật Bản vẫn vấp phải sự khó chịu của một vài quốc gia nhưng những gì mà chính phủ của ông Shinzo Abe đang thể hiện cho thấy, họ sẽ còn tiếp tục đóng một vai trò tiên phong và lên tiếng mạnh mẽ với đối với các vấn đề của khu vực và quốc tế.
Theo bình luận của The Nation, sự mạnh mẽ này của Nhật Bản để nhắm đến một mục đích quan trọng nhất là: nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này phải được đối xử như một quốc gia bình thường, với tư cách là một nước công nghiệp phát triển chứ không phải là một quốc gia “bị kìm kẹp bởi các quy định của thời kỳ hậu chiến”.
Thủ tướng Shinzo Abe và bài phát biểu thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ASEAN tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-la (tháng 5/2014). |
Trước khi ông Abe lên nhậm chức, quốc gia này đã không có sự lãnh đạo cần thiết để có thể vượt qua được những rào cản trong nước và quốc tế. Họ loay hoay trong vòng xoáy thay đổi nhà lãnh đạo mà vẫn không giải quyết được vấn đề.
Trong khi đó, các quốc gia khác đã tranh thủ phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, Trung Quốc - một trong những quốc gia đã nhận rất nhiều viện trợ của Nhật Bản trong các thập niên 1980 và 1990 - đã có tiến bộ kinh tế đáng kể và đi kèm với đó là sức mạnh quân sự ngày càng tăng. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới và dự kiến sẽ sớm vượt qua Mỹ trở thành số 1.
Thêm vào đó, suy thoái kinh tế và thảm họa sóng thần cùng với sự cố của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã tác động sâu sắc đến tâm lý của người dân và các quan chức Nhật Bản. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, họ không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc đất nước bị lâm vào tình trạng bị tàn phá khốc liệt đến như vậy.
Nhật Bản hiểu rằng, đã đến lúc họ phải “lột xác” một lần nữa nếu không muốn bị nhấn chìm. Các kế hoạch phục hồi kinh tế mạnh mẽ của ông Shinzo Abe và tinh thần dân tộc được người dân ủng hộ nhiệt tình.
Trong suy nghĩ của ông Abe và của người Nhật, đã đến lúc họ cần phải “đòi lại vị trí đáng ra hoàn toàn thuộc về họ”. Nhật Bản cần phải cải thiện nền kinh tế đang hấp hối của mình, nâng cao mức sống, phục hồi sự tự tin và phải khiến cho người dân tự hào về dân tộc…từ đó nâng cao khả năng chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài.
Nói một cách khác, một “Nhật Bản hoàn toàn mới” đã ra đời.
Cùng với chính sách “3 mũi tên” (chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng và thúc đẩy đầu tư tư nhân), ông Abe còn rất tích cực trong các cuộc đàm phán xây dựng Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó các quốc gia ASEAN như Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, tham vọng của ông Abe còn xa hơn thế. Mục tiêu của ông không chỉ là làm cho Nhật Bản trở nên mạnh mẽ hơn để tự bảo vệ mình mà còn để bảo vệ các đồng minh, đối tác chiến lược của họ. Từ tham vọng này, ông Abe đã cho ra đời “Thuyết Abe” và kế hoạch cải cách chiến lược an ninh quốc gia nhằm bảo vệ quyền lợi của họ cả ở trong nước và ngoài nước. Một trong những trọng tâm của Hội đồng An ninh quốc gia (do ông Abe mới thành lập hồi tháng 5/2014) là tăng cường hợp tác về quốc phòng – an ninh với các nước Đông Nam Á.
Hành động này của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc rất tức tối. Bắc Kinh cho rằng Nhật Bản đang “tập hợp sức mạnh” trái với Hiến pháp do người Mỹ áp đặt ở đất nước này sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Việt Nam (Tháng 1/2013) |
Trong quá khứ, Nhật Bản chỉ tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, cung cấp viện trợ phát triển cho các quốc gia trên thế giới. Nhưng kể từ nay, mối quan hệ và hợp tác với khu vực của Nhật Bản sẽ trở thành đa chiều và phức tạp hơn. Hiện tại, tiêu chuẩn chiến lược của ông Shinzo Abe và của Nhật Bản là mở rộng hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam, Philippines và Ấn Độ - hành động càng khiến cho Trung Quốc “mất ăn, mất ngủ”.
Nhật Bản hiện nay là một nhân tố quan trọng cho tiến trình hòa giải Mindanao (ở Philippines) và là nhà tài trợ chính cho sự phát triển ở Aceh và Đông Timor. Sau cải cách ấn tượng của Myanmar trong năm 2011, ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế, Nhật Bản đã đưa ra những sáng kiến rất có giá trị trong quá trình hòa giải dân tộc ở Myanmar thông qua Quỹ Nippon, đã nhận được 1 triệu USD tài trợ năm ngoái từ chính phủ Nhật Bản.
“Ở Đông Nam Á, Nhật Bản đang nhìn về phía trước chứ họ không nhìn lại”, tờ The Nation kết luận.