Trung Quốc không còn dễ “kiếm chác” ở Myanmar
Sự việc mới nhất liên quan đến ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Myanmar xảy ra vào tháng 12/2014 tại mỏ đồng Letpadaung, tây bắc Myanmar, một liên doanh giữa quân đội Myanmar và một công ty Trung Quốc. Cảnh sát Myanmar đã bắn vào nhưng người biểu tình phản đối việc xây dựng một hàng rào trong khu vực dự án, khiến một người phụ nữ thiệt mạng và 9 người khác bị thương.
Myanmar đã cảnh giác hơn với Trung Quốc. |
Trong khi Trung Quốc bày tỏ sự "rất lấy làm tiếc" đối với sự việc này thì nhiều người đã đứng lên biểu tình, không chỉ ở khu mỏ mà còn ở nhiều khu vực khác trên khắp Myanmar, bao gồm cả bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon.
Dự án Letpadaung đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế từ năm 2012 khi cảnh sát Myanmar sử dụng bom khói phốt pho để giải tán dân làng và các thầy tu đang biểu tình, khiến nhiều người bị thương. Kể từ đó, người dân địa phương và các nhà hoạt động đã tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu ngừng dự án. Họ cho rằng, dự án đã ảnh hưởng đến môi trường, cưỡng ép di dân và tịch thu đất bất hợp pháp.
Công ty đánh giá rủi ro Verisk-Maplecroft ở Bắc Mỹ cho hay: "Cái chết của một người phụ nữ trong cuộc biểu tình tại một mỏ đồng của Trung Quốc ở phía tây bắc Myanmar sẽ làm bùng phát thêm sự bất bình của công chúng đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc trên khắp Myanmar".
Letpadaung chỉ là một trong nhiều dự án của Trung Quốc đang gặp chỉ trích ở Myanmar. Mặc dù Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng nhất của Myanmar, nhưng mối quan hệ kinh tế này đã trở nên phức tạp khi nhiều người cáo buộc rằng Bắc Kinh chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của nước láng giềng với một chuỗi các dự án giao thông vận tải và năng lượng.
Dân làng phản đốidự án mỏ đồng Letpadaung. |
Hồi tháng 7/2014, Cục trưởng Cục Đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải Myanmar Myint Wai cho biết chính phủ đã đình chỉ dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD kết nối tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với bang Rakhine miền tây Myanmar theo nguyện vọng của công chúng nước này.
Ngoài sự phản đối của công chúng, chính phủ Myanmar cũng đã thờ ơ với các dự án tương tự. Trong bối cảnh Myanmar đang thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư phương Tây và châu Á khác, một số người cho rằng, chính phủ nước này đang từ chối các thỏa thuận không đáp ứng được các lợi ích quốc gia.
Bà Yun Sun, chuyên gia nghiên cứu Đông Á của Trung Tâm Stimson, tại Washington DC cho hay: "Chính phủ không còn sẵn sàng chấp nhận các điều khoản không đáng với lợi ích quốc gia. Sự phục hồi của nguồn vốn từ phương Tây và nhiều quốc gia khác sau nhiều thập kỉ Myanmar bị cô lập, đã khiến cho đầu tư của Trung Quốc trở nên ít hấp dẫn hơn”.
Tổng thống Thein Sein của Myanmar và các cố vấn đang nỗ lực để cân bằng giữa nhu cầu quốc gia với các mối lo ngại của công chúng. Việc trì hoãn dự án đập Myitsone năm 2010 có trị giá 3,6 tỷ USD và dự án đường sắt 20 tỷ USD trên là những ví dụ cho thấy cuối cùng chính phủ nước này đã quyết định xem xét kĩ hơn các dự án cơ sở hạ tầng lớn bất chấp sự thất vọng của Trung Quốc.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt Kyaukphyu - Côn Minh sắp hoàn thành nhưng vẫn bị chính phủ Myanmar đình chỉ. |
Tuy nhiên, cũng có những dự án mà chính phủ đã bỏ qua sự phản đối của công chúng. Trong trường hợp dự án đường ống dẫn dầu từ Kyaukphyu đến Côn Minh, một dự án quan trọng khác đã hoàn thành và bắt đầu đưa dầu tới Trung Quốc trong tháng này, chính phủ đã nhiều lần bác bỏ yêu cầu của các nhà hoạt động về việc cho bang Rakhine có nhiều phần hơn trong doanh thu vận chuyển dầu và từ chối giải quyết những kiến nghị về nguy cơ tràn dầu và các mối đe dọa đối với sinh kế của ngư dân địa phương.
Mặc dù người dân vẫn tiếp tục biểu tình phản đối dự án Letpadaung, nhưng chính quyền Myanmar đã buộc tội một số người biểu tình bất hợp pháp và phát hành một tuyên bố hôm 6/1 để bác bỏ những mối lo ngại của người dân và cảnh báo bất kì hành động nào làm gián đoạn dự án.
Tuyên bố nói: "Trong khi đa số người dân địa phương trong vùng dự án đang hy vọng mỏ đồng sẽ hoạt động càng sớm càng tốt để có việc làm, thì một số người lại đang tìm cách phá hoại dự án, gây trở ngại đối với việc thực hiện dự án theo lời một số kẻ chủ mưu”.
Tuy vậy, rất ít người cho rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng thích nghi được với điều kiện bất lợi hiện nay ở Myanmar.
Hồi tuần trước, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã dẫn lời ông Bi Shihong, một giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Vân Nam, cho rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc cần phải tìm hiểu nhu cầu thực sự và mong muốn của người dân địa phương thay vì chỉ làm việc với giới chức Myanamar.
Phía Trung Quốc đã có những điều chỉnh để “lấy lòng” người dân địa phương. Đầu năm 2013, nhiều công ty lớn của Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện các công tác xã hội và mở các chiến dịch quan hệ công chúng để gần gũi hơn với người dân địa phương.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng, những nỗ lực này vẫn không thể giúp các nhà đầu tư Trung Quốc chống lại sự bất mãn ngày càng tăng đối với sự ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Sự phản đối của người dân địa phương đối với các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Myanmar trong những tháng vừa qua còn gây sự chú ý về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với khu vực Đông Nam Á.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.