Trung Quốc đang làm gì để đại tu ‘sức mạnh cơ bắp’?
Trong những năm vừa qua, Trung Quốc liên tục tăng ngân sách cho quân sự và hiện chi tiêu quân sự của nước này đang lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Trung Quốc cũng mua rất nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến. Tuy nhiên, ông Tập cho rằng tất cả những điều trên vẫn là chưa đủ.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc đang lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. |
Hồi tháng Ba, phát biểu trong phiên họp với nhóm chỉ đạo cải cách quân sự và quốc phòng, ông Tập cho biết: "Không thể hiện đại hóa quốc phòng và quân sự mà không hiện đại hóa các hình thức tổ chức của quân đội. Cần phải cải cách triệt để hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, cơ cấu lực lượng và các tổ chức chính sách”.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc này không hề dễ dàng. David M. Finkelstein, phó chủ tịch và giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại CNA Corporation, một tổ chức nghiên cứu về an ninh, quân sự của Mỹ cho biết: “Khoảng 5 năm nữa thì kế hoạch này mới có kết quả. Nhưng 10 năm nữa, bạn sẽ thấy một quân đội Trung Quốc rất khác”.
Hiện quân đội Trung Quốc có 7 đại quân khu mạnh mẽ, ban đầu là nhằm phòng thủ đối với Liên Xô và duy trì trật tự trong nước. Ông Tập đang có ý định rút 7 đại quân khu xuống còn 5 đại quân khu để tăng khả năng phản ứng ngay lập tức với các "tình huống khẩn cấp". Theo các chuyên gia quân sự, cải cách trên là nhằm tăng cường khả năng tấn công, đặc biệt là của không quân và hải quân ở Biển Đông và Hoa Đông để đối đầu với Nhật Bản và dùng ‘sức mạnh cơ bắp’ trong các tranh chấp lãnh thổ khác.
Ông Nan Li, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc đang giảng dạy tại Trường Đại học Hải chiến Mỹ nhận định, Trung Quốc đang muốn chuyển các nguồn lực sang hải quân, không quân, tăng cường sức mạnh tên lửa để thể hiện sức mạnh ở nước ngoài.
Bên cạnh việc bổ nhiệm một nhóm các nhà lãnh đạo cấp cao để giám sát cải cách, ông Tập còn thành lập 5 lực lượng đặc nhiệm để theo dõi các vấn đề cụ thể như: đào tạo, tinh giảm nhân sự, tuyên truyền chính trị, loại bỏ tham nhũng và cải thiện cách quản lý cơ sở hạ tầng quân sự.
Ông Dennis J. Blasko, một cựu tùy viên quân sự khác của Mỹ tại Bắc Kinh cho rằng, quân đội Trung Quốc đang cố gắng hoàn thành phần lớn kế hoạch cải cách vào năm 2020. Trung Quốc hy vọng, tới thời điểm đó có thể hoàn chỉnh được cơ cấu và đạt được tiến bộ lớn trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong quân đội.
Ông Tập Cận Bình đang muốn tăng cường hải quân và không quân để chèn ép các nước khác trong các tranh chấp lãnh thổ. |
Lợi thế lớn nhất của ông Tập khi thực hiện kế hoạch trên có lẽ là về ngân sách và vị thế chính trị vững chắc của ông.
Theo các nhà phân tích phương Tây, tiền đầu tư cho cải cách quân đội dường như không phải vấn đề đối với Trung Quốc. Ông Roy D. Kamphausen, một cựu tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, hiện là cố vấn cao cấp cho Văn phòng Nghiên cứu Châu Á Quốc gia tại Washington cho biết: "Tôi không chắc sẽ mất bao nhiêu chi phí. Nhưng có vẻ với chi tiêu hiện nay cho quân đội thì khoản chi này không hề có vấn đề gì”.
Theo ông Kamphausen, Trung Quốc hiện đang chi khoảng 2,5% tổng sản phẩm quốc nội cho quân sự.
Cũng theo các nhà phân tích, ông Tập đang có vị trí chính trị rất tốt để vượt qua các chướng ngại vật trong quá trình đại tu quân đội. Không giống như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, hồi cuối năm 2012, ông Tập được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc cùng lúc với việc được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Theo ông Phillip C. Saunders , giám đốc Trung tâm nghiên cứu các mối quan hệ quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Quốc gia ở Washington, ông Tập rõ ràng đã nhận được sự ủng hộ của 6 thành viên khác của cơ quan quyền lực nhất, đó là Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông Saunders cho rằng, bằng cách vận động chống tham nhũng, ông Tập cũng đã khiến cho nhiều vị quan chức phải run sợ.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, bên cạnh những lợi thế, ông Tập cũng sẽ gặp rất nhiều thách thức. Họ cho rằng, ông Tập có lẽ sẽ phải đối mặt với sự phản ứng từ những binh sĩ và quan chức quân đội bị điều chuyển hoặc bị sa thải.
Ông Andrew Scobell, một nhà khoa học chính trị tại tổ chức RAND, chuyên nghiên cứu về quân đội Trung Quốc tại Washington nhận định: “Những lực lượng trì trệ sẽ khiến cho việc cải cách quân đội trở lên thực sự khó khăn”.