Trung Quốc đã “toàn cầu hóa” sức mạnh quân sự của mình như thế nào?
Theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London (Anh), Trung Quốc chứ không phải Nga mới là quốc gia đang ngày càng thỏa mãn những tiêu chuẩn cao mà chính phủ Mỹ đặt ra đối với lực lượng quân đội của mình.
Quân đội Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt. |
Xu hướng này đã được mô tả trong báo cáo thường niên về khả năng quân sự và chi tiêu quốc phòng của tất cả các nước trên thế giới mang tên Military Balance mà IISS đã soạn thảo từ năm 1959 tới nay. Mặc dù quá trình phát triển quân sự của Trung Quốc đã diễn ra trong nhiều năm qua, song đây là lần đầu tiên Trung Quốc đến rất gần với việc trở thành “đối thủ ngang hàng” với Mỹ.
Sự phát triển về công nghệ quân sự của Trung Quốc là rất đáng chú ý, khi nước này đã chế tạo thành công từ tên lửa đạn đạo tầm xa cho đến máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Năm ngoái, tàu chiến mới của Trung Quốc mang tên Type 55 đã bắt đầu được chế tạo trên mặt nước. Khả năng chiến đấu của nó được cho là sẽ khiến hải quân các nước NATO phải lo sợ.
Trung Quốc cũng đang chế tạo tàu sân bay thứ hai của mình. Bên cạnh đó, họ cũng cải tổ bộ máy chỉ huy để tăng cường khả năng phối hợp giữa các quân chủng. Về vũ khí, Trung Quốc giờ đây có nhiều loại pháo, hệ thống phòng không có tầm bắn vượt xa các loại khí tài Mỹ.
Kể từ cuối thập niên 1990 khi Trung Quốc sở hữu một loạt công nghệ quân sự tiên tiến của Nga, Hải quân Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển tàu chiến và tàu ngầm.
Trong khi đó, máy bay tiêm kích mới nhất của nước này là J-20 được cho là đã đi vào hoạt động. Nó được xác định là “máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm” và được trang bị công nghệ tàng hình, có thể bay với tốc độ siêu thanh và có các hệ thống buồng lái hiện đại.
Dù vậy, các chuyên gia của IISS vẫn tỏ ra nghi ngờ. “Không quân Trung Quốc vẫn cần phải có chiến thuật phù hợp với các máy bay chiến đấu tàng hình và phải đưa ra được các học thuyết cần thiết để máy bay thế hệ thứ năm có thể phối hợp hoạt động với phi cơ thế hệ trước”, họ nói. “Tuy nhiên, sự tiến bộ của Trung Quốc là không thể phủ nhận. Các loại máy bay này đều được trang bị tên lửa có khả năng ngang với tên lửa phương Tây”.
Một loại máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất. |
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và các nước đồng minh đã thực hiện nhiều chiến dịch quân sự trên không và không để mất nhiều máy bay quân sự. Tuy nhiên, theo IISS sự thống trị này đang ngày càng bị đe dọa. Trung Quốc đang phát triển một loại tên lửa tầm xa được thiết kế để tấn công máy bay chở nhiên liệu và máy bay chỉ huy, có vai trò rất quan trọng nhưng lại dễ bị tấn công khi đang làm nhiệm vụ.
Các tác giả của báo cáo Military Balance tin rằng đến năm 2020, Trung Quốc “sẽ buộc Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực không chỉ xem lại chiến thuật của mình mà còn phương hướng phát triển công nghệ không quân của mình” bằng sự tiến bộ trong công nghệ tên lửa của mình.
Trong khi đó, quá trình hiện đại hóa của lực lượng bộ binh của Trung Quốc có phần chậm lại khi chỉ khoảng một nửa số vũ khí họ đang có có thể sử dụng được. Thế nhưng, lực lượng này cũng đang bắt đầu có những bước tiến lớn. Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu rằng đến năm 2020, toàn quân đội sẽ được “cơ giới hóa” và “thông tin hóa” đầy đủ, trong bối cảnh họ đề cao vai trò của mạng lưới thông tin trong việc thay đổi chiến thuật tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Trung Quốc có chiến lược quân sự rất rõ ràng: Trong trường hợp xảy ra xung đột, họ phải đẩy quân đội Mỹ càng xa khỏi bờ biển Trung Quốc càng tốt. Chiến lược này được gọi là “Chống xâm nhập – Chống tiếp cận khu vực”, viết tắt là A2/AD. Đây là nguyên nhân Trung Quốc tập trung vào các loại vũ khí tầm xa trên không và trên biển, có thể ngăn cụm tàu sân bay của Mỹ đến gần.
Mặc dù đã có thể coi là một cường quốc quân sự, song sự phát triển của Trung Quốc vẫn chưa dừng lại. Nước này cũng đang theo đuổi chiến lược xuất khẩu khí tài quân sự đầy tham vọng. Cụ thể, trên thị trường máy bay không người lái (UAV), Mỹ đã từng là một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực này và chỉ có một số ít đồng minh NATO được nước này bán máy bay không người lái.
Trái ngược với Mỹ, Trung Quốc đã công bố một lạt các loại UAV do nước này sản xuất trong nước cùng hàng loạt các loại vũ khí mà nó có thể được trang bị. Theo báo cáo của IISS, Trung Quốc đã bán UAV cho các quốc gia như Ai Cập, Nigeria, Pakistan, Ả Rập Xê út, UAE, Myanmar và nhiều nước khác. Có thể thấy rằng chính sự ngần ngại của Washington đã tạo điều kiện để Trung Quốc khỏa lấp khoảng trống, sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu của các khách hàng cần UAV trên thế giới.
Mỹ và các nước phương Tây đang coi Nga là một đối thủ lớn trên thị trường quốc phòng. Ngay từ một thập kỷ trước, sự hiện diện của Trung Quốc đã là rất lớn và cung cấp nhiều loại vũ khí chất lượng cao. Trung Quốc cũng sẵn sàng bán những loại khí tài quân sự mà nhiều nước Châu Âu coi là nhạy cảm.
Xe tăng VT4 do Trung Quốc sản xuất. |
Các loại vũ khí của Trung Quốc đều có sức hấp dẫn lớn. Theo các chuyên gia IISS, khả năng của vũ khí Trung Quốc có 75% tương đương với khả năng của vũ khí phương Tây, song giá thành lại chỉ bằng một nửa. Tuy rằng về mặt khí tài quân sự trên bộ họ vẫn thua kém các nước như Nga và Ukraine, song vào năm 2014 khi Thái Lan không thể đạt được thỏa thuận với Ukraine, họ đã quay sang Trung Quốc và mua xe tăng VT4 của nước này. Năm ngoái Thái Lan đã quyết định mua thêm VT4.
Các chuyên gia IISS tin rằng Trung Quốc cũng đang phát triển các loại vũ khí nhằm phục vụ cho từng khách hàng khác nhau. Trung Quốc đang phát triển một loại xe tăng hạng nhẹ dành cho các nước Châu Phi, những nơi có điều kiện đường xá không tốt và khiến việc sử dụng xe tăng hạng nặng khó khăn hơn.
Nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây đều tỏ ra quan ngại khi Trung Quốc trở thành nhà cung cấp các loại khí tài quân sự hiện đại lớn. Mặc dù một nước Tây Âu sẽ không đối mặt với Trung Quốc nếu xảy ra xung đột, song họ sẽ phải đối phó với vũ khí Trung Quốc hoạt động ở những nơi khác trên thế giới. Một chuyên gia IISS cho biết: “Quan niệm rằng quân đội các nước phương Tây sẽ hoạt động ở một khu vực trên thế giới rủi ro thấp giờ đây đang bị đặt dấu hỏi lớn”.