Trung Quốc coi việc Mỹ triển khai B-52 tới Biển Đông là hành vi “gây hấn”
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang mới đây đã bày tỏ sự phản đối của Trung Quốc đối với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan cũng như việc nước này áp đặt trừng phạt đối với Trung Quốc do đã mua khí tài quân sự của Nga.
Trung Quốc phản đối sự hiện diện của máy bay B-52 của Mỹ trên Biển Đông. |
“Về những hành động gây hấn mà máy bay quân sự Hoa Kỳ đã tiến hành, chúng tôi cực lực phản đối những hành động này và chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình”, ông Ren nói.
Trước đó, hai máy bay B-52 đã bay qua những khu vực tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên coi là của mình, và Lầu Năm Góc gọi đây là những hoạt động thông thường. Hai phi cơ B-52 khác cũng đã xuất hiện ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không và khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của mình bất chấp việc đảo này đang do Nhật Bản kiểm soát.
Trung Quốc từ lâu đã tiến hành những hành động lấn chiếm các quần đảo trên Biển Đông, sau đó bồi đắp bãi đá thành các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự như đường băng, tháp radar và hệ thống tên lửa các loại.
Khi được hỏi về hoạt động của các máy bay ném bom, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng ông không lo ngại căng thẳng với Bắc Kinh có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
“Đây là điều bình thường. Nếu là 20 năm trước đây, khi Trung Quốc chưa hề quân sự hóa các bãi đá ở Biển Đông, người ta sẽ nghĩ rằng đó chỉ là một máy bay ném bom Mỹ đang trên đường tới Diego Garcia hoặc một nơi nào khác”, ông nói. Diego Garcia là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Chagos trên Ấn Độ Dương và là nơi quân đội Mỹ sử dụng làm căn cứ quân sự.
Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ hủy bỏ một thỏa thuận cung cấp các thiết bị dự phòng và hỗ trợ quốc phòng có tổng giá trị 330 triệu USD cho máy bay chiến đấu F-16 và các phi cơ khác của Đài Loan, đồng thời cảnh báo rằng quan hệ giữa hai nước sẽ bị “tổn hại nghiêm trọng” nếu Washington không tuân theo.
Cùng lúc này, Mỹ cũng quyết định cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở Mỹ của Cục Phát triển Thiết bị của Quân đội Trung Quốc và Giám đốc là ông Li Shangfu do họ đã mua máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm một đạo luật có hiệu lực vào năm 2017 của Mỹ nhằm trừng phạt Nga vì nhiều lý do khác nhau.
Đáp lại, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt này, đồng thời triệu tập Đại sứ Mỹ tại trung Quốc và các quan chức quốc phòng để khiếu nại, đồng thời hủy bỏ chuyến thăm Mỹ của một đô đốc Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc cũng khước từ yêu cầu cập cảng Hồng Kông của tàu chiến USS Wasp của Hải quân Mỹ. Trong quá khứ Trung Quốc cũng đã từng làm vậy khi căng thẳng giữa nước này và Mỹ nóng lên.