Trung Quốc: Chúng tôi không bắt nạt những nước yếu
Trung Quốc nói…
Mở đầu bài xã luận của mình, Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc khẳng định nước này chưa bao giờ tham gia vào bất cứ một cuộc chạy đua vũ trang nào trong lịch sử và tương lai họ cũng sẽ không muốn làm điều đó.
Sở dĩ tờ báo này phải cho đăng tải bài xã luận là do ngày 25/9 vừa qua, khi Trung Quốc chính thức đưa chiếc tàu sân bay (Liêu Ninh) đầu tiên vào biên chế quân đội, giới truyền thông nước ngoài đã không ngừng bình phẩm và cho rằng đó có thể là “con ngáo ộp” mà Trung Quốc muốn giương ra để đe dọa các nước láng giềng nhỏ hơn.
"Thật là một nỗ lực buồn cười khi họ (giới truyền thông nước ngoài) cố gắng loan tin cho rằng Trung Quốc đang bắt đầu khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang", bài xã luận viết.
Cũng trong bài viết này, Nhân dân nhật báo còn cho rằng việc Trung Quốc sở hữu tàu sân bay không có gì là “không phù hợp” bởi họ là thành viên thường trực cuối cùng của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và đồng thời là quốc gia thứ 10 trên thế giới có tàu sân bay.
Việc tàu sân bay Liêu Ninh chính thức được đưa vào hải quân Trung Quốc vào ngày 25/9 vừa qua đã dấy lên những mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc sẽ sử dụng nó để "đe nẹt" các nước láng giềng. |
“Mặc dù Trung Quốc sẽ còn lớn mạnh hơn nữa nhưng chúng tôi không bao giờ “bắt nạt” các nước yếu hơn”, bài viết nhấn mạnh, “Trung Quốc đã từng bị bắt nạt bằng bom đạn và những hạm đội của những kẻ xâm lược.Chính vì thế mà Trung Quốc luôn hy vọng sẽ xây dựng được hệ thống phòng thủ quốc gia đủ mạnh để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của mình”.
"Những quốc gia thường sử dụng sức mạnh quân sự và phát động những cuộc chiến tranh không có tư cách để chỉ ngón tay của họ về phía Trung Quốc”, Nhân dân nhật báo viết đồng thời cho rằng một khi hải quân Trung Quốc mạnh hơn, điều đó sẽ “có lợi” cho sự duy trì hòa bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như hòa bình, ổn định của thế giới.
…Trung Quốc làm
Dù ra sức thanh minh là “không tham gia chạy đua vũ trang” nhưng có một điều chính phủ Trung Quốc không thể giấu diếm cũng như phủ nhận rằng ngân sách quốc phòng Trung Quốc trong suốt gần 2 thập kỷ qua đã tăng liên tục ở mức hai con số, và chỉ tăng chậm một chút trong năm 2010 với mức dưới 10%. Tổng chi ngân sách quốc phòng được công bố của Trung Quốc đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng mức chi thực tế có thể lớn hơn đến 50% do nước này tính riêng các khoản dành cho lực lượng tên lửa và một số chương trình quốc phòng khác.
Theo hãng nghiên cứu IHS (Mỹ) cho biết ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2011 là 119,8 tỷ USD và sẽ tăng lên 238,2 tỷ USD trong năm 2015, nhiều hơn chi tiêu quốc phòng của 12 nước lớn trong khu vực cộng lại, dự đoán vào khoảng 232,5 tỷ USD, và tương đương gần gấp 4 lần ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, nước đứng thứ 2 về chi tiêu quốc phòng trong khu vực.
Theo hãng nghiên cứu IHS (Mỹ), ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2011 là 119,8 tỷ USD và sẽ tăng lên 238,2 tỷ USD trong năm 2015, nhiều hơn chi tiêu quốc phòng của 12 nước lớn trong khu vực cộng lại. (Ảnh minh họa) |
Nhờ sự đầu tư cực kỳ mạnh tay này mà Trung Quốc đã trở thành một thế lực lớn mạnh tầm khu vực và ngày càng tăng khả năng triển khai quân sự ở tầm xa. Sự vươn lên về quân sự này, dù được cho là nhằm đối trọng với Mỹ là chính, vẫn gây quan ngại cho một số nước láng giềng như Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Chỉ riêng trong năm 2011 vừa qua, Trung Quốc cho ra mắt một loạt khí tài hiện đại gồm chiến đấu cơ phản lực J-10, các tàu ngầm hạt nhân mới, các tàu khu trục hiện đại cùng tên lửa siêu thanh chống hạm. Trung Quốc cho thử máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và bây giờ là chính thức biên chế tàu sân bay đầu tiên. Tất cả những sự kiện này thu hút sự chú ý đặc biệt ở cả khu vực và thế giới.
Lập luận phủ nhận việc “sẽ không dùng tiềm lực quốc phòng để bắt nạt các nước yếu” của Trung Quốc càng khó được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia láng giềng chấp nhận. Trong những năm qua, Trung Quốc liên tục có những hành động gây bất ổn và căng thẳng ở Biển Đông khi tuyên bố “đòi” chủ quyền phần lớn vùng biển này, liên tục cho tàu có vũ trang giả danh tàu dân sự (Hải giám, Ngư chính…) gây hấn với các quốc gia ASEAN như Philippines, Việt Nam.
Với các quốc gia láng giềng “không yếu hơn”… Trung Quốc cũng có những hành động không kém phần “hung hăng” và đến giờ này thì không còn ai tin rằng Trung Quốc đang “trỗi dậy một cách hòa bình”, bằng chứng là hôm 12/9 vừa qua, một nhóm các nghị sỹ Mỹ đã lên tiếng tại Hạ viện nước này cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt các nước láng giềng” nhằm đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền phi lý. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ileana Ros-Lehtinen đã mô tả Trung Quốc là “kẻ bắt nạt trong trường học” với các nước láng giềng trên biển.
Hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Howard Berman nói chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần khẳng định, Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc thiết lập bá quyền trong khu vực. Ông này chỉ ra rằng Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc phải giải quyết các tranh chấp trong hòa bình.
Theo AP, một số ủy ban của Quốc hội Mỹ đang xem xét điều được họ xem là mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc.