Trung Quốc chấp nhận trả giá cho sự coi thường luật lệ
Và dù Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị để trả giá về mặt lãnh thổ và tài nguyên, song thực tế Trung Quốc liệu có mất mát gì hay không?
Bất chấp áp lực từ phía Washington và các nước khác, Bắc Kinh vẫn kiên quyết cho thấy nước này sẽ từ chối phán quyết của tòa án, một kết luận có thể ảnh hưởng tới tuyên bố của quyền của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông, bao gồm các hòn đảo, rạn san hô, trữ lượng cá cũng như các kho dự trữ dầu mỏ và gas tiềm năng.
Theo các nhà phân tích, “phụ phí” khác cho hành động bất chấp nói trên của Trung Quốc là có hại cho nỗ lực toàn cầu khi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tương tự thông qua các công cụ pháp luật. Bằng hành động ngang ngược của mình, Bắc Kinh cho thấy rằng các quốc gia có thể từ chối những phán quyết của tòa án quốc tế khi mâu thuẫn này có lợi cho lợi ích của họ.
Vụ kiện lên tòa trọng tài ở Hague của Philippines tập trung chủ yếu vào tấm bản đồ “đường chính đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông đối chiếu với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Quyết định cuối cùng có thể được đưa ra trong một vài tuần tới, tuy nhiên do không có một cơ chế thực thi nào nên tác động của phán quyết này ra sao vẫn chưa có gì rõ ràng.
Cùng với Trung Quốc và Philippines, bốn chính quyền khác là Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo, rạn san hô trong khu vực Biển Đông, còn Indonesia lại bày tỏ quan ngại về đường biên giới mà Bắc Kinh đưa ra đã lấn vào cả vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Tàu hải quân Trung Quốc tham gia tập trận ở vùng biển phía Đông, tỉnh Chiết Giang. |
Trong nhiều tháng qua, các quan chức Trung Quốc, các bản tin truyền thông và những quan chức quân sự cấp cao vẫn thường xuyên công kích vụ kiện cáo của Philippines, coi đây là một việc làm trái luật, không chính đáng và là “một vở kịch chính trị”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho các phóng viên biết: “Vụ kiện Biển Đông do đơn phương Philippines khởi xướng thực chất chỉ là một màn kịch chính trị khi một bên muốn sỉ nhục một bên khác và nó sẽ trở thành trường hợp “nực cười” trong lịch sự luật pháp quốc tế”.
Các nhà chỉ trích Trung Quốc còn cho rằng việc bồi thẩm đoàn của tòa quốc tế do một cựu nhà ngoại giao Nhật Bản cầm trịch lại càng chứng tỏ tổ chức này không khác gì “trò cười”. “Phán quyết chắc chắn sẽ không khách quan và công bằng và chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ những quyền lịch sử để Trung Quốc trở nên tốt đẹp hơn”, Wu Shicun, Chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông quốc gia, khẳng định.
Trong quá trình thu thập ý kiến toàn cầu, cả Trung Quốc và Philippines đều tăng cường tình bằng hữu với những quốc gia ủng hộ họ. Tuy nhiên, những nước lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh cho đến nay hầu hết là các quốc gia nhỏ ngoài khu vực, và không có mấy tiếng nói hay ảnh hưởng đến vấn đề tranh chấp này.
Thậm chí, cả những học giả như ông Wu cũng phải thừa nhận rằng đây là một tình huống mà Trung Quốc không thể chiến thắng. “Cho dù kết quả là gì, chắc chắn Trung Quốc sẽ có mất mát bởi chúng tôi bị buộc vào một thế bị động”, ông Wu nói.
Yun Sun, chuyên gia chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, Mỹ, cũng cùng ý kiến như vậy: “Cho dù Bắc Kinh có tìm mọi lý lẽ để từ chối phán quyết này, nó cũng sẽ phá hủy danh tiếng và hình ảnh của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông Sun cho rằng cái giá của sự mất mát này là không đáng kể so với việc giành được quyền kiểm soát vùng lãnh thổ tranh chấp, điều này quan trọng hơn rất nhiều những câu hỏi mà Trung Quốc phải đối mặt.
“Với những cái lợi về dầu mỏ, các nguồn tài nguyên tự nhiên và độ sâu chiến lược, tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ sẵn sàng đánh đổi bằng mọi giá”, Michael Desch, đồng giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế, ĐH Notre Dame, Mỹ, cùng nhận định.
Các quan chức Bắc Kinh còn cho rằng có một âm mưu do Mỹ tạo ra đằng sau vụ việc này. Thứ trưởng Liu cho hay: “Chúng tôi không hiểu tại sao Mỹ lại quá tích cực trong việc ủng hộ tòa ra phán quyết về vấn đề Biển Đông. Thời gian trôi qua, tôi tin chắc rằng âm mưu cuối cùng sẽ được đưa ra ánh sáng”.
Ông Liu cũng khẳng định Bắc Kinh vẫn duy trì cam kết đàm phán song phương, và không có ý định sẽ đáp trả cứng rắn hơn. Bộ trưởng Quốc phòng mỹ Ashton Carter đã cảnh báo rằng việc cải tạo, phát triển bãi cạn Scarborough của Trung Quốc cần phải coi là hành động gây bất ổn bởi khu vực này gần với các đảo chính của Philippines, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự.
Trung Quốc cũng đang tận dụng khả năng có thể đối thoại song phương với Philippines. Tổng thống mới đắc cử của nước này, ông Rodrigo Duterte đã cho thấy những dấu hiệu linh hoạt hơn trong vấn đề Biển Đông so với cựu Tổng thống Benigno Aquino III.
Theo Jay Batongbacal, người đứng đầu Viện các vấn đề hàng hải và luật biển, ĐH Philippines, dựa vào những phát biểu của ông Duterte, người sẽ nhậm chức vào ngày 30/6 tới đây, có thể thấy ông sẽ không đi theo những quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc của người tiền nhiệm.
Đại sứ Philippines tại Washington, Jose Cuisia dự đoán một tương lai ngoại giao cân bằng hơn nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của tòa án. “Chúng tôi sẽ chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ không tuân theo pháp luật. Tôi không nghĩ rằng họ lại muốn mang tiếng một quốc gia lừa đảo. Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ ngồi xuống với chúng tôi và nói: được rồi, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này theo phong cách ngoại giao được không?”, ông Cuisia dự đoán.
Cho dù kết quả là gì, việc Bắc Kinh từ chối hợp tác với tòa án quốc tế có thể ảnh hưởng tới nỗ lực thúc đẩy thực thi pháp luật toàn cầu vốn đã nhiều lần bị “lung lay” bởi các cường quốc. Việc không tuân thủ của Trung Quốc còn ảnh hưởng tới UNCLOS do nó có thể khơi mào cho việc bất tuân một số quy định khác trong hiệp ước, đặc biệt là việc thiết lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Fox News, một kênh tin tức truyền hình cáp thuộc sở hữu của Fox Entertainment Group. Tính tới tháng 4/2009, Fox News đã phát sóng tới 102 triệu hộ gia đình tại Mỹ cũng như khách hàng quốc tế từ trụ sở chính tại thành phố New York.