Trung Quốc “bật đèn xanh” tham gia liên minh của Mỹ hộ tống tàu trên vùng Vịnh
Đây là tuyên bố của đại sứ Trung Quốcở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), ông Ni Jian chia sẻ với Reuters ở Abu Dhabi.
Đội tàu của hải quân Trung Quốc. (Ảnh: AP) |
“Nếu đây là tình hình cực kỳ mất an toàn, chúng tôi sẽ cân nhắc đưa tàu hải quân hộ tống các tàu thương mại. Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất của Mỹ về việc tập hợp lực lượng tàu hộ tống trên vùng Vịnh”, Reuters dẫn lời đại sứ Ni.
Trước đó, Mỹđã kêu gọi các quốc gia cùng tham gia liên minh an ninh hàng hải mang tên “Chiến dịch canh gác” nhằm bảo vệ các tàu thuyền di chuyển ở vùng Vịnh. Hiện không rõ Washington có gửi lời đề nghị chính thức cho Bắc Kinh hay không.
Cho tới nay, Anh mới là quốc gia duy nhất tham gia sứ mệnh ở vùng Vịnh do Mỹ đề xuất. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Đan Mạch va Pháp cũng đã bày tỏ mối quan tâm tới đề xuất của Mỹ. Song Đức lại từ chối tham gia liên minh của Mỹ.
Cẳng thẳng ở vùng Vịnhliên tục leo thang trong những tháng gần đây. Cụ thể, vào sáng ngày 4/7, với sự hỗ trợ của lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, chính quyền Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở cực nam bán đảo Iberian, đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 mang theo 2 triệu thùng dầu thô của Iran trước nghi ngờ tàu chở dầu vận chuyển hàng tới Syria. Hành động bắt tàu Grace 1 được Anh thực hiện theo yêu cầu từ phía Mỹ.
Về phần mình, Iran khẳng định hành động bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 giống như “cướp biển” và triệu tập đại sứ Anh tới để phản đối. Tehran cũng nhấn mạnh dùng mọi biện pháp chính trị cho tới pháp lý để đảm bảo tàu Grace 1 được thả.
Tới ngày 20/7, Iran đã cho bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Anh Stena Impero trước cáo buộc tàu chở dầu di chuyển nguy hiểm và đâm vào một tàu cá của Iran. Phía Anh đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc và yêu cầu Iran thả tàu chở dầu ngay lập tức.
Sau vụ việc Iran bắt tàu chở dầu, Anh thông báo có kế hoạch tham gia cùng liên minh do châu Âu đứng đầu để tiến hành tuần tra ở vịnh Péc-xích và eo biển Hormuz nhằm bảo vệ các tàu thuyền thương mại. Đức, Pháp, Đan Mạch và Italy cũng được cho ủng hộ ý tưởng của Anh.