Trung Đông sẽ sụp đổ vì Syria?
Trung Đông sẽ sụp đổ vì Syria?
Toàn cảnh xung đột đẫm máu ở Syria
Phương Tây hăm dọa Nga vì bênh Syria
"Tổng thống Assad sẽ dùng vũ khí hóa học"
Sự sụp đổ của chính quyền Assad sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng của Syria ở Trung Đông. |
Vụ ám sát 3 lãnh đạo cấp cao của quân đội Syria trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad có lẽ sẽ đẩy nhanh sự chấm dứt thời kỳ cai trị kéo dài 4 thập kỷ của gia đình Assad.
Nabil el-Arabi, Tổng thư ký của Liên đoàn Ả rập, bày tỏ lo ngại với các láng giềng của Syria về hậu quả của cuộc khủng hoảng này đối với cả khu vực. Ông cảnh báo rằng sự kiện ngày 18/7 là dấu hiệu của “sự sụp đổ không chỉ đối với riêng Syria mà còn cả khu vực”.
Theo Aaron David Miller, chuyên gia Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson dành cho các học giả ở Washington, nếu chính quyền Assad bị lật đổ, cuộc tranh giành quyền lực có thể sẽ gây ra hậu quả là tình trạng chém giết để trả thù nhóm thiểu số Shiite Alawite của ông Assad, nhóm cho đến nay vẫn kiểm soát quân đội và nền kinh tế.
Tình trạng bất ổn và bạo lực phe phái cũng sẽ lan tràn sang các nước láng giềng như Jordan, Li Băng và Iraq.
Hôm 18/7, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết 125.000 người tị nạn Syria đã bỏ chạy sang các quốc gia láng giềng, nhiều nhất là sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Không ai có thể khẳng định liệu vụ đánh bom ngày 18/7 vào trung tâm quân sự được canh phòng cẩn mật ở thủ đô Damascus có phải là khởi đầu cho sự chấm dứt của chính quyền độc tài Assad hay sau đó là sự xuất hiện của chính phủ mới hoặc cũng có thể là tình trạng hỗn loạn ở Syria.
Nếu quyền lực thuộc về đối thủ của ông Assad thì các đồng minh thân cận nhất của ông là Iran và Nga sẽ là những người thua cuộc.
Theo các quan chức và các nhà phân tích, Li Băng, Jordan và Israel sẽ có lợi nếu giới lãnh đạo mới của Syria không tiếp tục để nước này làm nơi trung chuyển vũ khí và hàng viện trợ từ Iran tới các nhóm khủng bố ở Li Băng cũng như những nhóm ở dọc theo biên giới Israel như nhóm Hezbollah.
Hôm qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chính nhóm Hezbollah đứng đằng sau vụ đánh bom cảm tử ở Bulgaria khiến ít nhất 5 du khách Israel thiệt mạng.
Các quan chức tình báo Mỹ và Israel lo ngại rằng nếu các nhà trung gian cho cuộc khủng hoảng Syria không thể đi đến thống nhất một con đường chuyển giao chính trị có trật tự, thì có khả năng nước này sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, mở đường cho các hoạt động của những kẻ khủng bố hoặc hồi giáo quá khích.
Nhà nghiên cứu Aram Nerguizian thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington cho rằng: “Chính quyền dù cho bị sụp đổ, bị phân tách hay thay đổi, thì Syria có khả năng sẽ là trung tâm bất ổn của khu vực trong ít nhất 1 thập kỷ nữa và sẽ không có cách nào vẽ ra các bước đi tiếp theo cho cuộc khủng hoảng này”.
Miller, một nhà làm chính sách về Trung Đông của chính quyền Hoa Kỳ, đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng “sự chấm dứt của chính quyền Assad không có nghĩa là trò chơi chấm dứt”, dù cho nó sẽ diễn ra vào lúc nào đi chăng nữa. Thực tế thì sự chấm dứt của chính quyền Assad sẽ là sự mở đầu cho “một loạt các lần chuyển giao khác”.
Ông Miller cho rằng các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục can thiệp vào Syria như Iran, quốc gia ủng hộ chính quyền Assad và Ả rập Xê út, quốc gia hậu thuận lực lượng đối lập.
Ông Miller cũng nhận định nếu tình trạng xung đột hiện nay kéo dài thêm 1 năm nữa, có khả năng Ả rập Xê út có khả năng sẽ ủng hộ lực lượng đối lập của nhóm Sunni thậm chí là tích cực hơn còn Iran và Hezbollah sẽ tiếp tục là chỗ dựa cho Tổng thống Assad và người Nga sẽ “cố gắng tránh” một kịch bản chuyển giao quyền lực do Mỹ quyết định.
Tùng Lâm