“Trục Trung Quốc” của Nga rốt cuộc vẫn chỉ là lý thuyết?
Bề ngoài, mối hệ Nga – Trung gần đây rất khởi sắc. Các quan chức Trung Quốc thường xuyên tới thăm Nga. Chính phủ Nga công bố kế hoạch tăng giá trị thương mại với Trung Quốc lên 200 tỷ USD trong vài năm tới. Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đang dự định tăng cổ phần trong Tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft của Nga.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga sau Liên minh châu Âu. Nga đang tiến hành nhiều dự án dầu khí lớn với Trung Quốc. Cùng với Ả Rập Xê-út, Moscow hiện đang là một trong những nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Bắc Kinh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Trung Quốc trong tháng 6/2016. |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đặt câu hỏi: Nga có đang thực sự “xoay trục” sang Trung Quốc hay không?
Sở dĩ vẫn còn nhiều hoài nghi như vậy bởi chẳng có mấy ai hy vọng mối quan hệ Nga – Trung sẽ đạt được một đà phát triển mới. Truyền thông Nga vẫn cho rằng việc Moscow xoay sang Trung Quốc vẫn chỉ cho ra những kết quả đáng thất vọng bởi không hề có bước đột phá thực sự nào. Ví dụ, năm 2014, phải mất rất nhiều năm Moscow và Bắc Kinh mới kí được một hợp đồng về khí đốt. Nhưng hợp đồng này cũng khó có thể gọi là một kết quả của chiến lược “trục Trung Quốc” của Nga.
Hơn nữa, các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc về các dự án kinh tế lớn diễn ra rất chậm rãi, mệt mỏi và gặp nhiều trở ngại. Hầu hết các dự án đều cần ít nhất từ 5-7 năm để chuẩn bị trước khi bắt đầu được thực hiện.
Theo ông Vasily Kashin, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Ví dụ, các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc như CNPC cơ bản được xem là phần mở rộng trực tiếp của bộ máy hành chính nhà nước Trung Quốc. Bất kỳ sự bất đồng nào xảy ra trong tương lai rất có thể sẽ ảnh hưởng cả về mặt chính trị. Điều này đã từng xảy ra vào năm 2011 khi Transneft và Rosneft của Nga có mâu thuẫn với CNPC về thuế quan liên quan đến đường ống dẫn dầu từ Đông Siberia sang Thái Bình Dương.
Nói cách khác, bất kỳ tranh chấp kinh tế thuần túy nào cũng có thể trở nên cực kỳ nghiêm trọng và có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết đã luôn luôn ủng hộ một phương pháp vô cùng thận trọng đối với Bắc Kinh. Họ cũng đã chấm dứt nhiều thỏa thuận lớn với Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng chiến lược. Phương pháp này mới bắt đầu được thay đổi chỉ vài năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nga hiện đang là một trong những nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc. |
Đến giữa năm 2014, Moscow đã chuyển từ chính sách thận trọng sang chính sách mở cửa với Bắc Kinh khi nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn do giá dầu giảm và do bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt từ phương tây.
Theo ông Vasily Kashin, kể từ đó, Moscow luôn sẵn sàng kí kết các thỏa thuận với Bắc Kinh. Nga tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Họ cũng sẵn sàng đảo ngược các quyết định để đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc tại Nga, và hơn hết là để Nga trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng và nhiên liệu.
Trong khi đó, phía Trung Quốc lại phản ứng rất chậm. Cùng với đó, đến giữa năm 2015, các nhà chức trách Nga cũng không còn quá tha thiết với Bắc Kinh khi nhận thấy nền kinh tế nước này được dự đoán sẽ phục hồi vào cuối năm 2016.
Do vậy, mặc dù cuộc khủng hoảng Ukraine đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc, nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy một sự thay đổi thực sự nào về chất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Trung Quốc trong tháng này. Chuyến thăm được cho là sẽ dẫn đến một loạt những thỏa thuận liên chính phủ quan trọng, ví dụ như chế tạo máy bay thân rộng, xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc giữa Moscow và Kazan, phát triển hơn nữa sự hợp tác về dầu và khí đốt. Tuy nhiên, ông Vasily Kashin đánh giá, sẽ không có thay đổi lớn nào trong mối quan hệ Nga-Trung, ít nhất là trong năm nay.
Ông Vasily Kashin liệt kê ra một vài trở ngại trong mối quan hệ trên. Đầu tiên, cả giới lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều đang chia rẽ về nhiều vấn đề cơ bản. Ông nhận định, lãnh đạo Nga vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về các chính sách kinh tế trong và ngoài nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang tranh luận về tương lai quan hệ với Mỹ và khả năng áp dụng một chính sách đối ngoại hung hăng hơn để củng cố vị thế của Bắc Kinh.
Thứ hai, cả Nga và Trung Quốc đều đang ở trong tình trạng chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Bất kể kết quả ra sao nó cũng dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến các chính sách của Mỹ ở Thái Bình Dương, quan hệ với Nga và quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Huffington Post - một trong những hãng tin uy tín của Mỹ thành lập từ năm 2005.