Trong khi bác sĩ mổ não bệnh nhân vẫn hát quốc ca và nói chuyện
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân u não. Ảnh: Kim Oanh. |
Bác sĩ Đồng Văn Hệ, Trưởng Khoa Phẫu thuật thần kinh 1, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, bệnh nhân đã được mổ u não theo cách truyền thống vào tháng 4/2018, nhưng do e ngại ảnh hưởng vùng chức năng nói trên não nên bác sĩ không dám xâm lấn rộng vào não và vẫn còn lại một phần khối u.
Gần đây, bệnh nhân bị đau đầu và động kinh 2 lần. Đi khám, bác sĩ phát hiện có khối u đường kính khoảng 6 cm, chèn ép nhiều cơ quan liên quan đến chức năng như nói, vận động. Với cách mổ truyền thống, bệnh nhân được gây mê hoàn toàn, nếu ca mổ tác động đến vùng chức năng ngôn ngữ, vận động..., bác sĩ có thể không phát hiện ra.
Lần này, bác sĩ đã trao đổi với bệnh nhân về phương pháp phẫu thuật mới. Anh chấp thuận tham gia cuộc mổ đặc biệt này. Với phương pháp mổ thức tỉnh, bệnh nhân chỉ được gây tê để tránh đau khi rạch da, còn lại vẫn tỉnh táo hoàn toàn trong toàn bộ ca mổ. "Chúng tôi cắt được khối u nhiều nhất có thể mà vẫn bảo vệ được các chức năng nói và vận động của bệnh nhân, vì bác sĩ nhận biết được đâu là vùng nói, vùng vận động", Phó giáo sư Hệ chia sẻ về phương pháp phẫu thuật mới.
Trước cuộc mổ, bệnh nhân này đã nhiều lần xem clip ca mổ "vừa mổ vừa đánh đàn" ở nước ngoài. Tại ca mổ này, anh đã nói chuyện bằng tiếng Anh với các bác sĩ Nhật, hát bài Quốc ca Việt Nam, cử động tay chân theo yêu cầu của bác sĩ. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không có di chứng.
Bác sĩ Hệ cho biết, phương pháp mổ thức tỉnh có thể phẫu thuật cho nhiều loại tổn thương trong não và kiểm soát được những rủi ro như bệnh nhân bị câm, bị liệt... Ca phẫu thuật này từng được thực hiện ở nhiều nước phát triển, nhiều bệnh nhân vừa phẫu thuật vừa đánh đàn, hát.
U tế bào thần kinh đệm là loại u rất thường gặp trong các loại u ở não, việc thực hiện được phương pháp mổ thức tỉnh tại Việt Nam có thể giúp cho nhiều bệnh nhân sắp tới.
Theo VNE