Trình phiếu xét nghiệm PCR giả để qua chốt, bệnh viện đã xác minh, xử lý thế nào?
Nói về 2 phiếu xét nghiệm PCR Covid-19 bị Công an tỉnh Hải Dương nghi ngờ có dấu hiệu làm giả, Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị được cho là cấp phiếu đã kiểm tra và gửi công văn trả lời cơ quan Công an.
Ngày 24/8, Công an tỉnh Hải Dương cho biết, vào khoảng 8h45 ngày 24/8, tổ công tác liên ngành phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại chốt kiểm soát dịch A08 (Km 50+700 QL5 phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) kiểm tra xe ô tô tải BKS 89C - 202.99 do anh Vũ Hoàng Long (SN 1996, trú tại Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên) điều khiển.
Hai đối tượng làm việc với cơ quan công an. |
Trên xe còn có 1 phụ xe là Lê Văn Vũ (SN 1990, trú tại Hoàng Đạo, Hoàng Hoá, Thanh Hoá). 2 người trên đã xuất trình giấy tờ tuỳ thân và 2 phiếu xét nghiệm PCR Covid-19 có kết quả "Âm tính" do Phòng khám đa khoa 182 Lương Thế Vinh - Bệnh viện Đại học Quốc Gia Hà Nội cấp ngày 22/8.
Giấy xét nghiệm Covid-19 giả mạo. |
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện 02 giấy xét nghiệm trên có dấu hiệu làm giả. Tổ công tác đã cho Long và Vũ viết tường trình. Quá trình làm việc và viết tường trình, cả 2 đều khai nhận bản thân chỉ mới được Công ty chủ quản cho làm xét nghiệm test nhanh, còn giấy xét nghiệm PCR trên là do chủ xe đưa cho với mục đích để qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Tổ công tác đã lập biên bản và bàn giao 2 trường hợp trên cho đội Điều tra tổng hợp, Công an TP Hải Dương để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trưa nay (25/8), trao đổi với PV Infonet, một lãnh đạo Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Ngày 24/8, Công an TP Hải Dương đã làm việc với đơn vị và xác định 2 phiếu xét nghiệm PCR trên là giả. Bệnh viện đã có văn bản gửi Công an tỉnh Hải Dương khẳng định đó là giấy tờ giả, 2 người là Vũ Hoàng Long và Lê Văn Vũ không có trong danh sách đến khám tại phòng khám 182 Lê Văn Lương”.
Phân tích về mặt pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, trong những quy định thiết thực để tránh sự lây lan giữa các địa phương hiện nay, yêu cầu có xét nghiệm PCR là điều hợp lý, bởi tính chính xác.
Do đó, việc làm giả các giấy tờ này để qua mắt cơ quan chức năng là hành vi hết sức nguy hiểm, bởi có thể dẫn đến bùng phát dịch.
Luật sư Bình dẫn nội dung "Tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức'' theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh này là 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, nếu hành vi làm giả các giấy xét nghiệm này làm phát sinh ca bệnh mới thì đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý thêm hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác. Trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù.
Nếu xảy ra trường hợp này, người mua cũng bị phạt như người làm giả giấy tờ, phải chịu trách nhiệm hình sự với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác.
Giám đốc bán trăm phiếu âm tính Covid-19 giả và người mua đối diện án nào?
Theo luật sư, nếu hành vi làm giả các giấy xét nghiệm Covid-19 dẫn đến phát sinh các ca bệnh mới thì đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý thêm hành vi làm lây lan dịch bệnh cho người khác, có thể bị xử phạt 12 năm tù.
Hải Ngọc