Triều Tiên thừa nhận đang "không thể thở nổi" do lệnh trừng phạt
Ông Kim Chol, giám đốc của Viện Kinh tế của Học viện Khoa học Xã hội Triều Tiên tiết lộ với hãng tin Kyodo của Nhật Bản rằng giá xăng dầu ở Triều Tiên đã tăng mạnh trong vài tháng gần đây do lệnh trừng phạt. Để đối phó với tình trạng này, chính phủ Triều Tiên đã khuyến khích người dân dùng phương tiên công cộng và đi xe đạp.
Liệu Triều Tiên có còn lạc quan trước các lệnh cấm vận? |
Một quan chức khác của học viện là ông Kim Jong-guk cho biết, các hoạt động nhập khẩu dầu mỏ về cơ bản đã bị tạm ngừng, bởi các lệnh trừng phạt kinh tế đang khiến Triều Tiên khó có thể chi trả cho Trung Quốc và các quốc gia khác.
Giá dầu ở Triều Tiên bắt đầu tăng từ tháng 4 năm nay, điều này khiến nhiều người tin rằng Trung Quốc đang cắt giảm xuất khẩu hàng hóa sang Triều Tiên. Trước đó vào đầu năm nay Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu than từ Triều Tiên.
Trong năm 2017, Bình Nhưỡng đã liên tục thử nghiệm các loại tên lửa mới với tần suất chóng mặt. Triều Tiên đã cho thử nghiệm các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, tất cả đều lợi hại hơn so với các mẫu tên lửa trước đây. Triều Tiên cũng đã thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, được nhiều chuyên gia cho là có thể bắn đến bang Alaska của Mỹ.
Sau khi từ bỏ chiến lược ôn hòa của chính quyền Obama trước đây, chính quyền Tổng thống Trump giờ đây nhằm gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên. Mỹ kêu gọi áp dụng cấm vận kinh tế, triển khai khí tài quân sự và tác động ngoại giao nhằm buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán. Chính quyền Trump cũng hi vọng rằng Trung Quốc sẽ quyết tâm cùng giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley phát biểu rằng Mỹ có ý định trừng phạt nặng Triều Tiên sau khi nước này vừa tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, qua đó vi phạm lệnh cấm của cộng đồng quốc tế. Bà Haley nói thêm rằng Mỹ cũng sẽ gây sức ép đối với Trung Quốc và khẳng định quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bị đe dọa nếu các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục giao dịch với Triều Tiên.
Trong lúc Bình Nhưỡng gọi công nghệ tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của mình là công cụ quan trọng để đảm bảo sự tồn vong của đất nước, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu các lệnh trừng phạt có đủ để ngăn Triều Tiên theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân hay không.