Triều Tiên sẽ làm gì đối với quan chức cấp cao đào tẩu?
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chiến lược Triều Tiên, Sokeel Park nhận định, vụ việc đào tẩu của nhà ngoại giao Triều Tiên Thae Yong Ho là “một tình huống hy hữu” và có thể dẫn tới sự trả đũa từ phía Bình Nhưỡng.
“Đã có những vụ việc kiểu như vậy xảy ra trong quá khứ đối với những quan chức cấp cao đào tẩu, họ có thể bị ám sát hoặc đe dọa bị giết. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc sẽ bảo vệ nhân vật này, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn”, ông Park nói.
Hôm 17/8 vừa qua, tin tức cho biết ông Thae đã đào tẩu sang Hàn Quốc, cùng với gia đình mình, đây là vụ trốn thoát của một quan chức ngoại giao cấp cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử Triều Tiên.
Ông Thae đang tạm trú ở nước thứ ba là Vương quốc Anh, song đã chọn Hàn Quốc làm nơi sinh sống lâu dài. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Jeong Joo-hee cho biết nhà ngoại giao Triều Tiên này quyết định rời đi vì lợi ích của gia đình và bởi vì ông đã “quá mệt mỏi với chế độ của Kim Jong Un”.
Ông Thae Yong Ho tại Đại sứ quán Triều Tiên ở London. Nguồn: Getty |
Sự trừng phạt dành cho quan chức đào tẩu
Theo ông Park, gia đình của vị quan chức ngoại giao đào tẩu ở Triều Tiên sẽ phải hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt và theo dõi trong tương lai. “Gia đình và họ hàng của ông Thae sẽ phải chịu sự theo dõi, giám sát chặt chẽ. Họ có thể là anh trai, em gái của nhà ngoại giao đào tẩu, thậm chí cả họ hàng xa như cô dì, chú bác và những người liên quan khác”, ông nói.
Chuyên gia Park cho biết ông Thae là thành viên của một gia đình cốt cán ở Hàn Quốc, là con trai của một vị tướng cấp cao trong quân đội. Điều kỳ lạ là, theo ông Park, ông Thae đã mang theo toàn bộ gia đình mình ra nước ngoài trước khi thông tin về việc rò rỉ bị lộ.
“Đây là điều khá hiếm hoi, đa số trường hợp thì con cái hoặc một thành viên nào đó trong gia đình vẫn còn ở Triều Tiên, vì vậy rất khó để họ đào tẩu”, ông Park nhận xét.
Khi được hỏi tại sao ông Thae lại chọn Hàn Quốc để sinh sống thay vì nước Anh nơi ông đang làm nhiệm vụ, ông Park cho rằng ở Hàn Quốc, vị quan chức này sẽ nhận được nhiều sự khích lệ hơn.
“Có thể ông Thae sẽ có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, ví dụ như nếu ông ta tới Hàn Quốc, làm việc cho cơ quan tình báo quốc gia thay vì ở lại Vương quốc Anh”, ông Park nói.
Hàng trăm người chạy trốn
Theo thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, từ tháng 1 tới tháng 7 năm nay, 814 người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc so với 705 người cùng kỳ năm 2015.
Theo đó, những người đào tẩu chủ yếu là ở tầng lớp lao động hoặc thất nghiệp. Những người đào tẩu ở vị trí quản lý thường rất hiếm, chỉ với 480 trường hợp trong vòng một thập kỷ qua.
Tổng cộng, đã có 1.275 người Triều Tiên đào tẩu năm 2015, con số thấp nhất kể từ năm 2002. Trong hai thập kỷ qua, số người đào tẩu kỷ lục rơi vào năm 2009 với 2.914 trường hợp. Trong số các quan chức cấp cao đào tẩu, có trường hợp của cựu Đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập, người đã chọn Mỹ làm điểm đến năm 1997.
Quan chức cao cấp nhất của Triều Tiên đào tẩu tính đến nay là Hwang Jang Yop, người đã chạy trốn sang Hàn Quốc năm 1997 sau khi được bổ nhiệm vào một vị trí cao cấp trong Đảng lao động Triều Tiên. Ông là người nổi tiếng vì đã phát triển tư tưởng “tự lực” ở Hàn Quốc những năm 1990.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.