Triều Tiên: Sẽ có chiến tranh hạt nhân ở Hàn Quốc
Lính Hàn Quốc làm thủ tục kiểm tra tại trạm quân sự thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi hôm 9/4 |
Lời cảnh báo trên được đưa ra sau tuyên bố yêu cầu các đại sứ quán nước ngoài tại thủ đô Bình Nhưỡng di tản bởi Triều Tiên không thể đảm bảo an toàn tính mạng cho các công dân nước ngoài trong trường hợp xảy ra xung đột.
"Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tiến dần tới một cuộc chiến nhiệt hạch", hãng thông tấn trung ương KCNA trích tuyên bố từ Ủy ban Hòa bình châu Á – Thái Bình Dương của Triều Tiên.
Ngoài ra, Triều Tiên không muốn công dân nước ngoài tại Hàn Quốc trở thành "nạn nhân" của cuộc chiến tranh. Do đó, các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp và du khách "ngay lập tức tiến hành mọi biện pháp tìm nơi trú ẩn và sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng".
Lời đe dọa thực hiện một "cuộc chiến nhiệt hạch" đã được Bình Nhưỡng vài lần công bố trong những tháng gần đây mà gần nhất là ngày 7/3. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên còn chặng đường dài để phát triển được loại vũ khí hạt nhân tiên tiến như vậy.
Trong khi đó, lời cảnh báo các đại sứ quán nước ngoài tại Bình Nhưỡng sơ tán vào hồi tuần trước chỉ được xem là chiêu trò quảng bá cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Do đó, phần lớn chính phủ các nước đều không có kế hoạch rút nhân viên đang làm nhiệm vụ tại Bình Nhưỡng về nước.
Tuy nhiên, Triều Tiên khẳng định tuyên bố trong ngày hôm nay về khả năng bùng nổ một cuộc chiến hạt nhân đã được hâm nóng theo từng ngày do "kẻ hiếu chiến Mỹ" cùng "con rối" Hàn Quốc đang có ý định xâm chiếm Bình Nhưỡng.
Kể từ thời điểm quốc gia cô lập tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng 2, dẫn tới việc Liên Hiệp Quốc áp đặt thêm lệnh trừng phạt, bán đảo Triều Tiên đã liên tiếp bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng quân sự.
Trong những tuần gần đây, thái độ khiêu chiến của Bình Nhưỡng trở nên "sôi sùng sục" với lời đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc – một phản ứng trước các cuộc tập trận chung thường niên của quân đội Mỹ - Hàn.
Ngay sáng sớm hôm nay, chiểu theo yêu cầu của Bình Nhưỡng, các công nhân Triều Tiên đã không tới làm việc tại khu công nghiệp chung với Hàn Quốc – Kaesong. Trong chuyến thị sát khu công nghiệp Kaesong hôm 8/4, Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên - Kim Yang-Gon tuyên bố kế hoạch trục xuất 53.000 công nhân và cho đóng cửa khu công nghiệp vô thời hạn.
Được thành lập vào năm 2004, khu công nghiệp Kaesong chưa từng một lần ngừng hoạt động. Do đó, động thái của Bình Nhưỡng đã phần nào phản ánh được sự chia rẽ sâu sắc trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Từ hôm 3/4, Triều Tiên cũng đã chặn đường vào khu công nghiệp Kaesong của Hàn Quốc, khiến 13 công ty Hàn Quốc phải ngừng hoạt động. Ông Kim Yang-Gon nhận định tương lai của Kaesong phụ thuộc hoàn toàn vào "thái độ của chính quyền Hàn Quốc".
Kể từ khi Triều Tiên chặn lối vào khu công nghiệp từ hồi tuần trước, hơn 300 công nhân Hàn Quốc đã rời nơi làm việc để trở về nhà, hiện vẫn còn 475 người lưu lại Kaesong. Bộ Thống Nhất Hàn Quốc thông báo trong ngày hôm nay, 77 công nhân sẽ làm thủ tục rời Kaesong.