Triều Tiên quyết định đổi hạt nhân lấy miếng ăn
Triều Tiên quyết định đổi hạt nhân lấy miếng ăn
Phe đối lập Hàn Quốc muốn làm thân với Triều Tiên
Hàn Quốc đã có vũ khí của tương lai: Bom xung điện từ
Mỹ-Hàn điều động hơn 200.000 binh lính tham gia tập trận
Triều Tiên vừa tuyên bố sẽ dừng chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy cứu trợ lương thực từ Hoa Kỳ. |
Theo AFP, sau khi tiến hành các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ vào tuần trước, chính quyền Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo non trẻ Kim Jong Un đã hứa sẽ dừng các cuộc thí nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa đồng thời cho phép các thanh sát viên của LHQ về hạt nhân quay trở lại nước này.
Mỹ hoan nghênh động thái mới này của Triều Tiên với thái độ thận trọng.
“Tuyên bố ngày hôm nay là một bước đi khiêm tốn đầu tiên theo hướng đúng đắn. Tất nhiên chúng tôi sẽ theo dõi sát sao và đánh giá các nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên thông qua hành động của họ”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trước ủy ban Thượng viện ở Washington.
Các nhà phân tích Hoa Kỳ hi vọng rằng thỏa thuận này bày tỏ thái độ hòa giải từ phía Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã tiến hành một chương trình hạt nhân tốn kém bất chấp tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng và nghèo đói kéo dài.
Tuy nhiên những nhà phê bình thuộc đảng Dân chủ ở Washington cảnh báo rằng trong nhiều năm Triều Tiên đã lừa dối phương Tây và những người này cũng cáo buộc chính quyền Hoa Kỳ đã thất hứa khi gắn các vấn đề trợ giúp nhân đạo với vấn đề hạt nhân.
Hoa Kỳ cho biết sẽ cấp 240.000 tấn “lương thực cứu trợ”. Một quan chức Hoa Kỳ cho hay Washington đã từ chối đề nghị cứu trợ gạo và ngũ cốc mà thay vào đó sẽ trợ cấp dầu thực vật, đậu và các đồ ăn sẵn dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
“Đó là những người mà chính quyền hoặc là không thể hoặc là không muốn trợ cấp lương thực”, một quan chức Mỹ nói.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Victoria Nuland cho rằng Hoa Kỳ “vẫn còn những quan ngại sâu sắc về hành vi của Triều Tiên” nhưng thỏa thuận này phản ánh “một bước tiến quan trọng, dù còn hạn chế, trong việc giải tỏa một số quan ngại đó”.
Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ cho phép các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA quay trở lại giám sát hoạt động làm giàu uranium ở nước này.
Tại Viên, Áo, giám đốc IAEA ông Yukiya Amano hoan nghênh tuyên bố này của Triều Tiên và gọi đây là “một bước tiến quan trọng” đồng thời cho hay các thanh sát viên của cơ quan này đã sẵn sàng quay trở lại Triều Tiên.
Thỏa thuận này cũng được Ngoại trưởng Nhật Bản, quốc gia thuộc nhóm 6 quốc gia tham gia đàm phán hạt nhân về Triều Tiên.
Trung Quốc, đồng minh và là láng giềng của Triều Tiên cũng hoan nghênh động thái này.
“Trung Quốc hoan nghênh bước tiến trong mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ cũng như những đóng góp của họ trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu.
“Trung Quốc sẽ nỗ lực cùng các bên liên quan tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán 6 bên và đóng vai trò xây dựng nhằm đạt được hòa bình và ổn định cho bán đảo (Triều Tiên) và khu vực Đông Bắc Á”, ông nói.
Hàn Quốc cũng hoan nghênh thỏa thuận này giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ.
“Tuyên bố Mỹ- Triều Tiên phản ánh sự hợp tác chặt chẽ giữa Seoul và Washington nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hàn Quốc, Cho Byung-jae phát biểu.
Vào tháng 11 năm 2010, Triều Tiên công bố chương trình làm giàu uranium có thể giúp sản xuất cả vũ khí nguyên tử. Trước đó, chương trình làm giàu plutonium được cho là đã giúp Triều Tiên sản xuất đủ nguyên liệu cho 6 đến 8 vũ khí hạt nhân.
Lê Dung