Triều Tiên phóng tên lửa: Hình ảnh 270 mảnh vỡ dạt vào bờ biển Hàn Quốc
Những mảnh vỡ này được vớt lên từ bờ biển phía Tây Nam đảo Jeju ngay sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất Kwangmyongsong-4 lên quỹ đạo. Phía Hàn Quốc cho biết, khoảng 270 vật thể đã được vớt lên từ biển và đang được phân tích. Các quan chức cho hay số lượng mảnh vỡ cho thấy tầng một của tên lửa được gắn thiết bị tự hủy. Không giống với lần thử hồi tháng 12/2012, số lượng mảnh vỡ được tìm thấy ít hơn.
Mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên phóng lên quỹ đạo hôm 7/2. |
270 mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển Hàn Quốc. |
Hôm 7/2 vừa qua, Triều Tiên đã phóng tên lửa bất chấp cảnh báo từ nhiều quốc gia cho rằng vụ phóng vệ tinh này thực chất là để thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn một mực cho rằng đây chỉ là một hoạt động phục vụ cho khoa học và mục đích hòa bình.
"Vô dụng" trên quỹ đạo
Hôm 8/2, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho CNN biết vệ tinh của Triều Tiên phóng đã đi vào quỹ đạo nhưng không thực hiện được bất kỳ nhiệm vụ nào. Hàn Quốc cũng cho biết vật thể này đã xuất hiện trên quỹ đạo, tuy nhiên không thấy một tín hiệu nào phát ra từ nó.
Vụ thử tên lửa hôm 7/2 của Triều Tiên làm dấy lên một làn sóng lên án từ quốc tế cũng như những phản ứng mạnh mẽ từ cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hôm 9/2, chính phủ Hàn Quốc cho biết Tổng thống Park Geun-hye đã có cuộc điện đàm quan trọng với Tổng thống Mỹ Obama. Hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ quan điểm cần thiết phải áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, cả cấp độ song phương và đa phương, bên cạnh các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.
Bà Park cũng đã có cuộc nói chuyện với Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe và nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Tăng áp lực lên Trung Quốc
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên càng làm gia tăng áp lực quốc tế lên Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Bình Nhưỡng. Lo sợ cuộc khủng hoảng tị nạn nếu chế độ của ông Kim sụp đổ, Bắc Kinh không mấy sẵn sàng trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế của Triều Tiên.
Bất chấp dư luận quốc tế, Bình Nhưỡng vẫn quyết tâm phóng tên lửa mang theo vệ tinh. |
“Trừng phạt không phải là mục đích của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ tiếp tục thể hiện thái độ điềm tĩnh chiến lược và đóng một vai trò xây dựng trong việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”, tuyên bố của chính phủ Trung Quốc đăng trên Tân Hoa Xã nhấn mạnh.
Alison Evans, nhà phân tích cao cấp của tổ chức IHS Country Risk, cho rằng, Bình Nhưỡng dường như đã tính toán để tiến hành thử tên lửa vào thời điểm sớm nhất ngay sau vụ thử bom nhiệt hạch hôm 6/1, trước khi cộng đồng quốc tế kịp đưa ra những lệnh cấm vận mới cho sự việc 6/1. Như vậy, Triều Tiên có thể sẽ chỉ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt ít hơn.
Tuy nhiên, bà Evans cho rằng cộng đồng quốc tế không có nhiều sự lựa chọn trong việc trừng phạt Triều Tiên. “Có một số vấn đề vẫn chưa được đề cập đến, ví dụ như lực lượng lao động nước ngoài của Triều Tiên, đem lại lượng ngoại tệ lớn cho chính phủ nước này. Nhưng hơn tất cả, nếu Trung Quốc cũng tham gia vào các biện pháp trừng phạt hiện có thì sẽ là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế vốn đã ọp ẹp của Bình Nhưỡng”, bà phân tích.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.