Triều Tiên khởi động lò phản ứng hạt nhân "đón" Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
CNN cho biết, một phân tích hình ảnh vệ tinh mới nhất từ 38 North, dự án theo dõi Triều Tiên của ĐH Johns Hopkins, khẳng định rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tái khởi động lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Các hình ảnh cho thấy phần lớn con sông ở gần lò phản ứng đã đóng băng, ngoại trừ phần nước xả ra của lò phản ứng trộn lẫn với nước của sông, đây là dấu hiệu cho thấy lò phán ứng có thể đang hoạt động.
Hình ảnh cho thấy dấu hiệu hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Triều Tiên. Nguồn: 38 North |
Trong khi đó, chuyến thăm của Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tới Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới của ông, cho thấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với hai đồng minh quan trọng nhất trong khu vực. Seoul và Tokyo trước đó đã tỏ ra lo ngại về việc ông Trump nhậm chức sẽ ảnh hưởng tới các chính sách ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cho hay ông muốn xem xét lại vai trò của Washington trong khu vực. Ông cũng công khai bày tỏ suy nghĩ rằng liệu có đáng để tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản và Hàn Quốc nữa hay không trong khi đánh giá lại những gì Mỹ nhận lại.
Hành động của Bình Nhưỡng trùng khớp với tuyên bố hồi đầu năm của lãnh đạo Kim Jong Un khi cho hay Triều Tiên đã gần hoàn thành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một loại vũ khí nguy hiểm mang theo đầu đạn hạt nhân.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị hai tên lửa ICBM để thử nghiệm trong tương lai gần.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Nguồn: CNN |
Bên cạnh đó, một hoạt động chắc chắn sẽ được hoàn thành trong thời gian tới là việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD ở Hàn Quốc. Hệ thống này được thiết kế nhằm tiêu diệt các vật phóng hướng tới lãnh thổ Hàn Quốc và là cách để ngăn chặn một vụ tấn công hạt nhân từ Triều Tiên. Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn triển khai một hệ thống tương tự trên lãnh thổ của mình.
Mặc dù Hoa Kỳ tin rằng hệ thống phòng thủ này chỉ là biện pháp phòng vệ chính đáng thì Nga và Trung Quốc lại kịch liệt phản đối. Cả hai quốc gia cho rằng hệ thống này là một công cụ chiến lược nhằm vào Moscow và Bắc Kinh khi THAAD có thể tấn công và bắn hạ các tên lửa của họ.