Triều Tiên đánh bại quân đội Mỹ như thế nào?
Mùa hè năm 1950, Mỹ vẫn đang tận hưởng chiến thắng sau Thế Chiến II. Dù vẫn còn lo ngại về Liên Xô, nhưng Mỹ tự tin vì vẫn còn bom và cả máy bay ném bom B-29 cũng như lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới.
Ngoài ra, người Mỹ háo hức quay trở lại cuộc sống bình thường sau khi đã quá mệt mỏi vì 4 năm chiến tranh. Họ không có tâm trạng nghĩ đến việc xây dựng một đội quân lớn và tốn kém. Do đó, quân đội Mỹ những năm 1940 bị cắt giảm ngân sách, các cuộc đào tạo bắn đạn thật bị hạn chế, thời gian dành cho các cuộc huấn luyện cơ bản chỉ còn 8 tuần (hiện tại ít nhất là 10 tuần).
Hai binh sĩ Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh. |
Tình trạng đó không ảnh hưởng gì đến các lực lượng Mỹ đóng quân ở Nhật Bản bởi nhiệm vụ của họ không có thách thức gì đáng kể. Tuy nhiên, thật không may, vào đúng lúc đó, 75.000 binh sĩ Triều Tiên đã vượt qua vĩ tuyến 38, mở đợt tấn công nhằm vào Hàn Quốc. Và đội quân này không hề dễ đối phó. Theo TNI, nhiều binh sĩ trong đội quân của Triều Tiên đã từng chiến đấu cùng với các lực lượng của cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc cách đó vài năm. Hơn nữa, họ cũng được trang bị rất tốt với xe tăng, pháo binh và thậm chí cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom do Liên Xô sản xuất.
Tại thời điểm đó, cũng giống như quân đội Iraq phải đối mặt với IS hay quân đội Afghanistan đối mặt với Taliban, quân đội Hàn Quốc do Mỹ đào tạo rất rệu rã.
Dưới sự ủy nhiệm dùng vũ lực từ Liên Hợp Quốc, Mỹ đã triển khai quân hỗ trợ Hàn Quốc chống lại đội quân của nhà sáng lập Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành). Đương nhiên, đội quân đầu tiên được cử đến Hàn Quốc là đội quân đang đóng ở Nhật Bản gần đó. Đến ngày 1/7, Lực lượng Đặc nhiệm Smith (TFS), một đơn vị của Sư đoàn số 24 Bộ binh của Mỹ đóng ở Nhật Bản, đã tới Hàn Quốc. Lực lượng này gồm hơn 400 binh sĩ cùng với một vài khẩu lựu pháo 105 mm từ tiểu đoàn pháo binh trực thuộc. Họ không có xe tăng, không có hỗ trợ không quân và các phương tiện liên lạc nghèo nàn.
Các binh sĩ Mỹ trong Trận chiến Osan năm 1950. |
Thay vì các bệ phóng tên lửa chống tăng hiện đại nhất, hầu hết hỏa lực diệt tăng của lực lượng Mỹ chỉ bao gồm súng chống tăng Bazookas 2,36-inch, thậm chí không thể tiêu diệt được xe tăng Đức từ 5 năm trước đó. Một số sĩ quan và hạ sĩ quan của Lực lượng Đặc nhiệm Smith đã từng tham chiến trong Thế Chiến II, nhưng hầu hết các binh sĩ đều thiếu kinh nghiệm chiến đấu.
Tiến về phía bắc để ngăn chặn đội quân Triều Tiên, TFS đã dừng chân chiến đấu ở gần thị trấn Osan. Sáng ngày 05/7, khi đội xe tăng gồm 33 chiếc T-34/85 do Liên Xô sản xuất của Triều Tiên tiến đến vị trí phòng tuyến Mỹ tại quốc lộ phía bắc Osan, quân đội Mỹ đã tiến hành trận chiến đầu tiên của mình trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, lựu pháo của Mỹ chỉ có vài viên đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT), không thể đẩy lùi được xe tăng Triều Tiên tấn công vào các vị trí của Mỹ. Súng chống tăng Bazookas 2,36-inch cũng không thể xuyên thủng lớp bọc thép của các xe quân sự do Liên Xô sản xuất.
Quân đội Mỹ đã thất bại nặng nề trước quân đội Triều Tiên tại Trận chiến Osan 1950. |
Theo các tài liệu ghi lại, những chiếc xe tăng Triều Tiên bị trúng quả đạn pháo 105mm khi chỉ còn cách bộ binh Mỹ 2 km, nhưng không hề hấn gì. Còn khi đoàn xe tăng chỉ còn cách 700 m, khẩu pháo không giật 75mm bắn trúng chiếc xe tăng đi đầu nhưng cũng không có chuyện gì xảy ra.
Đồng thời, TFS còn bị lực lượng bộ binh của Triều Tiên bao vây, tấn công từ nhiều phía. Chỉ huy TFS, Trung tá Charles Smith quyết định rút lui với thất bại nặng nề. Đây là một cú sốc đối với quân đội Mỹ vốn vẫn đang còn nhiều dư âm chiến thắng sau Thế Chiến II.
Trong trận chiến này, đã có 80 lính Mỹ bị thiệt mạng và bị thương và cũng khoảng 80 người nữa bị bắt, tổng cộng là gần một nửa trong số 400 quân của TFS. Bên phía Triều Tiên có 130 người thương vong, 4 xe tăng bị phá hủy hoặc bị đứt xích. Đội quân Triều Tiên chỉ bị hãm lại vài giờ.
Theo TNI, sẽ chỉ là sáo rỗng nếu cho rằng bài học quân đội Mỹ nhận được trong thất bại này là những binh sĩ thiếu kinh nghiệm, ít được đào tạo và không được trang bị tốt sẽ chiến đấu rất tệ hoặc một quốc gia không được phép để cho quân đội mình suy yếu.
Bài học thực tế, đáng quan tâm chính là: Điều xảy ra khi quân đội Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột hoàn toàn khác với những gì quân đội Mỹ đã dự tính. TNI cho rằng, đó vẫn là vấn đề của quân đội Mỹ ngày này khi Washington đang phải cân nhắc các chiến lược của mình trong một thế giới nơi Trung Quốc cũng đang rất mạnh, nước Nga đang hồi sinh, những kẻ khủng bố đang hoạt động điên cuồng, và kiểu nhà nước tự xưng như IS đang nắm trong tay nhiều loại vũ khí hiện đại.
Mỹ không có đủ nguồn lực để có thể mạnh mẽ ở mọi nơi trên thế giới. Lầu Năm Góc sẽ phải đưa ra những giả định về các cuộc chiến có thể xảy ra và cách thức chuẩn bị tốt nhất cho những trường hợp đó. Công nghệ cao hay thấp?Cuộc chiến lớn hay nhỏ? Chiến tranh thông thường hay chiến dịch du kích? Và một điều nữa là không thể bỏ qua việc đánh giá chính xác khả năng của Nga và Trung Quốc.
Đó là một trò chơi suy đoán nhưng những con người thực sự sẽ phải trả giá.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.