Triều Tiên - Dân mỏi mòn chờ... cải cách
The tờ Thời báo New York, người dân Triều Tiên chưa thực sự cảm nhận thấy cuộc sống của họ thay đổi. |
Trong thời gian vừa qua, Triều Tiên liên tiếp đưa ra các tín hiệu cho thấy nước này đang trên đường tiến tới cải cách để chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, bài viết dưới đây của Thời báo New York (New York Times) cho thấy cuộc sống của người dân Triều Tiên vẫn chưa có chuyển biến gì kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền.
Trong chuyến đi tới trung tâm Bình Nhưỡng để bán hàng, bà Kim, một nông dân nuôi lợn 52 tuổi, cố gắng không chú ý đến sự giàu có đang thay đổi thủ đô Triều Tiên trong những năm vừa qua: những tòa nhà mới xây, ngày càng nhiều xe Mercedes-Benzes xuất hiện trên những đại lộ vốn vẫn vắng vẻ, những phụ nữ ăn mặc lịch sự đang nói chuyện bằng điện thoại di động. Bà cũng chưa bao giờ đến Công viên Giải trí Nungra, công viên giải trí mới nơi con cái của các quan chức cấp cao đến giải trí vào mùa hè và trượt trong những đường trượt nước.
“Tại sao tôi phải quan tâm đến trang phục mới của các quan chức nhà nước và con cái họ trong khi tôi không thể nuôi sống gia đình mình?” bà hỏi đầy chua chát và siết chặt tay khi kể về tình trạng suy dinh dưỡng kinh niên khiến 2 con trai bà luôn ốm yếu và cướp đi mạng sống của những người hàng xóm nghèo khổ hơn của bà.
Các nhà ngoại giao, các nhóm cứu trợ và các học giả đến thăm Triều Tiên trong những tháng vừa qua cho biết kể từ khi Kim Jong Un nắm quyền điều hành đất nước thay người cha quá cố, Triều Tiên hoặc ít nhất là thủ đô Bình Nhưỡng đã có nhiều biểu hiện của một xã hội đang vận hành.
Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn hiếm hoi, với 4 người Triều Tiên ở Bình Nhưỡng cho biết cho đến nay họ không cảm nhận thấy bất kỳ sự cải thiện nào trong cuộc sống của họ kể từ khi nhà lãnh đạo non trẻ lên nắm quyền hồi tháng 12 năm ngoái. Trên thực tế, những người Triều Tiên này cho rằng cuộc sống của họ đang trở nên khốn khó hơn bất chấp việc Kim Jong Un tuyên bố nâng cao đời sống của nhân dân khiến dư luận thế giới hi vọng rằng quốc gia này sẽ theo đuổi những cải cách theo cơ chế thị trường kiểu Trung Quốc.
Giá lương thực tăng vọt là hậu quả của trận hạn hán và việc Triều Tiên vẫn cố tiến hành vụ thử tên lửa hồi tháng 4 khiến Hoa Kỳ hủy kế hoạch viện trợ lương thực. Giá gạo đã tăng gấp đôi kể từ đầu hè và tình trạng thiếu năng lượng, điện và nguyên liệu thô tiếp tục khiến các nhà máy sản xuất đình trệ và hàng triệu người thất nghiệp.
“Mọi người vẫn hi vọng rằng Kim Jong Un sẽ khiến cho cuộc sống của chúng tôi tốt đẹp hơn, nhưng đến nay họ đều cảm thấy thất vọng”, một phụ nữ 50 tuổi họ Park nói.
Là thành viên của Đảng lao động Triều Tiên tại một thành phố lớn, bà Park cho biết để nuôi sống gia đình, bà phải bán bánh bột ngô ở chợ nhưng tình trạng bán hàng rất ế ẩm và những đứa trẻ đói khát thường giật trộm bánh của bà. Bà cho biết trong năm nay hơn 1 lần bà đã phải đi qua những thi thể bất động của những người không còn đủ sức để ăn trộm nữa.
“Nếu tôi có thức ăn thì tôi sẽ đưa cho họ”, bà nói và nhìn đi hướng khác vì xấu hổ.
Điều thay đổi rõ nét trong những tháng vừa qua là nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tỏ ra hăng hái với phong cách lãnh đạo mới, cho phép nhiều phụ nữ được ăn mặc theo trang phục phương Tây và phá vỡ truyền thống bằng cách công khai thừa nhận thất bại trong vụ phóng thử tên lửa hồi tháng 4. Điều mà dư luận vẫn còn chưa thấy rõ là liệu Jong Un có đi xa hơn ngoài những bước đi chập chững trong cải cách kinh tế vừa qua hay không.
Các nhóm người Triều Tiên đào ngũ cho biết một trong những thay đổi là một dự án cho phép nông dân giữ lại 30% hoa lợi của mình. Được biết chính quyền Triều Tiên đã bắt đầu chương trình “xuất khẩu lao động” giúp hàng nghìn công nhân có cơ hội kiếm ngoại tệ tại thành phố Dandong, Trung Quốc bên bờ sông Yalu.
Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn với 4 người Triều Tiên thì vẫn chưa thấy sự lạc quan nào. Họ cho biết trong khi còn có nhiều người ăn xin gầy còm nhom tại các ga tàu thì các doanh nhân có nhiều mối quan hệ lại phát đạt nhờ làm ăn với Trung Quốc và các quan chức chính quyền thì giàu có nhờ tiền phạt và nhận hối lộ.
Tất cả những người Triều Tiên nói trên đều lo lắng khi phải nói ra những điều này; trại lao động khổ sai luôn chờ đợi những ai nói chuyện với các nhà báo hay những người truyền giáo đạo Thiên Chúa.
“Nếu chính quyền phát hiện rằng tôi đang đọc Kinh thánh, thì tôi coi như sẽ chết”, một phụ nữ nói.
An ninh biên giới Trung Quốc – Triều Tiên được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền khiến việc đào tẩu sang Trung Quốc khó khăn hơn. Các nhà hoạt động giúp người tị nạn tìm đến tự do ở Hàn Quốc cho biết các cuộc truy quét của cảnh sát Trung Quốc đối với những người Triều Tiên chuyên dẫn đường ở khu vực biên giới đã làm giảm đáng kể số người vượt biên.
Đối với người Triều Tiên, được làm việc ở Dandong có nhiều đặc lợi: tất cả được cấp visa kéo dài 2 tháng cho phép họ được về thăm người thân ở quê nhà – và đồng thời giúp chính quyền thu được thuế từ họ nhằm đáp ứng “cơn khát” ngoại tệ của nhà nước. Những người Triều Tiên lao động tại Dandong cho biết họ thường ở lại lâu hơn so với thời hạn visa, kiếm thêm tiền từ các nhà máy Trung Quốc để nuôi sống gia đình mình và trả lại các khoản nợ cho chợ đen thanh toán chi phí giấy tờ hành chính.
Nông dân Triều Tiên làm việc trên cánh đồng. |
Mặc dù có thể những người Triều Tiên được phỏng vấn là những người bất mãn hơn những người khác – do họ có mối liên hệ mật thiết với những người theo đạo Thiên Chúa là những người thường chỉ trích kịch liệt nhà nước Triều Tiên – nhưng những thông tin mà họ cung cấp đều rất khớp nhau và khớp với những đánh giá của các nhân viên cứu trợ nước ngoài và các học giả vừa đến thăm đất nước này.
Daniel Pinkston, một chuyên gia Triều Tiên thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG), cho biết hầu hết những lời bàn ra tán vào về thay đổi ở Triều Tiên đều bắt nguồn từ những tuyên bố của Kim Jong Un về việc cải thiện đời sống nhân dân và phong cách cá nhân của nhà lãnh đạo non trẻ có vẻ nhã nhặn hơn so với cha anh, cố chủ tịch Kim Jong Il.
“Mọi người thường vội vàng đưa ra ngay các kết luận về cải cách, nhưng cải cách không phải là bước chuyển chỉ diễn ra trong một ngày”, ông Pinkston, người đã đến thăm Triều Tiên vào mùa hè vừa qua, nhận xét.
“Mặt khác, một số ít người đặc quyền đang giành thế độc quyền trong một số ngành nhất định đã biến tình hình giống như một cuộc cướp bóc”, ông nói.
Trong hai ngày tiến hành phỏng vấn những người Triều Tiên, một bí mật kinh khủng được hé lộ một phần, đó là sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong những năm vừa qua và một điều ngày càng trở nên rõ ràng là cương lĩnh của quốc gia về Tự cường (Juche), sự tự lực cánh sinh, thực ra chỉ là một điều dối trá được xây dựng kĩ lưỡng. Trong lúc những suy nghĩ đó ngày càng lớn mạnh do luồng thông tin từ thế giới bên ngoài lọt vào thì cảm giác vỡ mộng cũng ngày gia tăng kể từ khi hứa hẹn của nhà nước Triều Tiên về một kỉ nguyên thịnh vượng đã không thành hiện thực.
“Người ta làm cho chúng tôi tin rằng ngay cả chó cũng sẽ được ăn bánh gạo vào năm 2012”, bà Kim nói. Khi được hỏi liệu bà có nghĩ rằng vẫn còn ai đó còn tin vào chính quyền Triều Tiên nữa không, bà lắc đầu và nói “không có ai cả”.
Bà và những người khác cho biết tình trạng bưng bít thông tin đã giảm bớt do sự xuất hiện ngày càng lan rộng của điện thoại di động (mặc dù các điện thoại đó không được gọi các cuộc gọi quốc tế) và những bộ phim truyền hình Hàn Quốc được buôn lậu qua biên giới và xem trộm bất chấp những lời đe dọa người xem bị bỏ tù.
Một người lái xe tải 58 tuổi đã về hưu sống tại thành phố Sunchon ở phía bắc Bình Nhưỡng cho biết ông và gia đình mình đã khóa chặt cửa và che cửa sổ khi xem các đĩa DVD quay về những siêu thị đầy hàng và những khu mua sắm lộng lẫy.
“Tôi ước gì chúng tôi có được một cuộc sống sạch sẽ và sáng láng như vậy”, ông nói và cho biết thêm rằng một số người ông biết vẫn tin vào những lời tuyên truyền của nhà nước rằng Hàn Quốc nghèo nàn hơn Triều Tiên rất nhiều.
Trong khi ông và những người Triều Tiên khác đủ khôn ngoan để không chất vẫn công khai những nhà lãnh đạo của mình, thì phản ứng của họ trước cái chết của cố chủ tịch Kim Jong Il đã nói lên tất cả.
Khi nghe tin đó, bà Kim theo bản năng đã mua một bó hoa trắng và đi tới một tòa nhà của chính quyền địa phương, nơi rất nhiều người đang tụ tập than khóc trước bức chân dung của nhà lãnh đạo kính yêu. Bà Kim cũng làm theo họ nhưng bà thừa nhận rằng nước mắt than khóc của bà không phải là giọt nước mắt chân thành.
Khi ở nhà, bà chẳng có mấy thời gian để nghĩ đến chuyện chính trị. Hàng ngày bà thường dậy vào lúc bình minh để tìm kiếm rau xanh có thể ăn được, sau đó trở về nhà để chăm nom đàn lợn của gia đình. Bà còn có một công việc khác, một công việc bà phải bí mật làm, là làm các sản phẩm thủ công từ lõi ngô và hạt dẻ để bán cho những người bán buôn.
Nhưng cả hai công việc làm ăn của bà chẳng đem lại nhiều lương thực cho chồng và các con trai bà. Gia đình bà sống nhờ rau xanh, cháo ngô và thỉnh thoảng có khoai tây và củ cải. Tình trạng thiếu lương thực tràn lan đến nỗi một con trai của bà đã phải xuất ngũ và về nhà do ốm yếu. Các bác sĩ khi kiểm tra cho biết con trai bà ốm yếu do thiếu đói).
Từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, Triều Tiên kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn. |
Tình trạng vượt biện trái phép sang Trung Quốc để trốn tránh cái đói đã bớt đi kể từ khi Kim Jong Un nắm quyền. Theo các quan chức Hàn Quốc, số người đào ngũ đến Hàn Quốc sau khi vượt biên sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 751 vụ trong 6 tháng đầu năm 2012, giảm đi 42% so với cùng kì năm ngoái.
Những số liệu trên không thể nói lên bức tranh tổng thế do người tị nạn Triều Tiên có thể phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để kiếm đủ tiền đến Hàn Quốc, nhưng các nhà hoạt động cho biết khu vực biên giới được kiểm soát chặt chẽ đến mức không thể vượt qua được.
Được biết gần đây, chính quyền Triều Tiên đã dựng hàng rào điện kéo dài nhiều dặm tại khu vực biên giới và cử thêm khoảng 20.000 lính canh gác. Trong những tháng vừa qua, chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu trấn áp những người Triều Tiên đào ngũ sống tại 3 tỉnh sát Triều Tiên. Các nhà hoạt động cho biết những người bị bắt bị trao trả về Triều Tiên, nơi họ thường đối mặt với án tù giam.
Kim Tae-jin, chủ tịch của nhóm Free NK Gulag (Tự do cho trại cải tạo ở Triều Tiên) tại thủ đô Seoul, cho biết những người đào ngũ Triều Tiên đang sống tại Hàn Quốc gần như không thể tiếp cận được những người “môi giới vượt biên” giúp đưa người thân của họ đến Hàn Quốc.
“Trước đây, những người môi giới thường xếp hàng ở gần khu vực biên giới, nhưng tôi nghĩ hầu hết đã bị bắt”, ông Kim, một người Triều Tiên đào ngũ cho biết.
Số ít người may mắn được phép đến thành phố Dandong đều kinh ngạc trước những gì mà họ nhìn thấy: những đường phố đầy xe hơi, tắm vòi hoa sen nóng lạnh và được thoải mái nói chuyện mà không phải lo sợ. Nhưng trên hết, họ bị choáng ngợp vì đồ ăn thừa mứa và rẻ. Trong khi những người bạn của bà cho biết họ ăn no căng món bánh bao nhân thịt và cơm thì bà Kim chỉ ăn táo trong 5 ngày đầu tiên. Bà cho biết bà đã không được ăn táo từ khi còn nhỏ.
“Tôi đã nghĩ rằng cuộc sống ở đất nước tôi là tốt lắm. Nhưng tôi đã nhầm”, bà nói.