Triều Tiên: Chuyện của người phải ăn rác để sống
Triều Tiên là một quốc gia kỳ lạ, dù đói nghèo nhưng thường từ chối các khoản trợ cấp và luôn cấm đoán người nước ngoài tới thăm đất nước. Nước này đã từng trải qua một nạn đói kéo dài trong những năm 1990, đã khiến khoảng 900.000 – 3,5 triệu người phải chết.
Một nhân chứng đã từng chứng kiến nạn đói ấy đã trốn chạy khỏi Triều Tiên từ năm 14 tuổi. Ông Ji Seong Ho, 31 tuổi, bị mất tay trái và chân khi cố gắng ăn cắp than từ một con tàu trong những năm đói kém khốn khổ nhất ở Triều Tiên. Giờ đây, người đàn ông này đang kể lại câu chuyện ít người biết, về quốc gia bí ẩn và khắc khổ nhất thế giới ngày nay.
“Người dân phải sống trong sự khốn cùng ở Triều Tiên. Nhiều người còn sống dưới mức sống của xã hội loài người”, ông Ji chia sẻ. Ji cũng cho biết, những người khuyết tật phải đối mặt với sự kỳ thị, bị xem là “vô dụng” đối với xã hội – điều rất phổ biến ở quốc gia này.
“Khi tôi còn trẻ, trước khi xảy ra tai nạn, tôi thường được sử dụng để mua vui cho người lớn vì khuyết tật của mình”, Ji kể lại.
Trong nạn đói 1994-1998, người dân Triều Tiên đã phải tập trung tất cả sức lực của mình để nhặt rác ăn và tồn tại. Thực phẩm rất khan hiếm, không có nhiều để chia sẻ cho mọi đối tượng người dân, đặc biệt là những người không thể tự bảo vệ mình như trẻ con, người già và người khuyết tật.
“Có nhiều người biến mất trong thị trấn của chúng tôi. Nhưng kể cả khi tình hình lương thực được cải thiện chút ít vào cuối những năm 1990, chúng tôi vẫn không thấy họ xuất hiện. Điều đó có nghĩa là họ đã chết”.
Vào tháng 3/1996, Ji Seong Ho đã cố gắng ăn cắp than trên một chuyến tàu để đổi lấy thực phẩm, ông đã bị rơi vào bánh xe và nó đã cắt đứt tay trái và chân. Ông đã được đưa tới bệnh viện chữa trị mà không hề có một chút thuốc gây mê nào.
Do phải đi lại bằng nạng, không có khả năng tìm việc làm, ông Ji đã vượt biên trái phép vào Trung Quốc năm 2000 trong một nỗ lực tìm kiếm thức ăn cho gia đình. Cảnh sát đã bắt ông ta trở lại, và trong suốt một tuần lễ sau đó, theo lời ông kể, ông đã bị đánh đập nặng nề. “Họ hét vào mặt tôi, gọi tôi là thằng tàn tật và nói rằng tôi mang nỗi xấu hổ về Triều Tiên vì những gì tôi đã làm”.
Ông Ji cuối cùng cũng đã rời khỏi Triều Tiên năm 2006, tới định cư ở Hàn Quốc, nơi hiện nay ông nghiên cứu về luật pháp và sẵn sàng kể về những nỗi đau và cuộc sống ở Triều Tiên.
Tương tự như Ji Seong Ho, Kim Hyuk, 32 tuổi, cũng đã trải qua một cuộc đời khắc khổ ở Triều Tiên. 17 tuổi, mẹ qua đời, Kim Hyuk đã trở thành một "ggotjebi" - thuật ngữ mà người Triều Tiên gọi những trẻ em đường phố, chủ yếu là trẻ em mồ côi, những người ăn xin, nhặt rác và ăn cắp để tồn tại.
Theo lời của Kim, nạn đói đã khiến mọi thứ trở nên khủng khiếp. Khi trẻ em bắt đầu chết trên đường phố, các đơn vị cảnh sát đặc biệt đã được thiết lập, “thu gom” các ggotjebi và gửi chúng đến các nơi trú ẩn và trại trẻ mồ côi, nhưng nhiều người vẫn chết vì đói.
“Không ở đâu có thực phẩm”, Kim nói về các trại trẻ mồ côi, nơi ông đã sống trong suốt 3 năm, “chỉ có bột vỏ ngô khiến bạn bị táo bón. Tôi bị bắt ăn thậm chí cả thằn lằn, rắn, chuột và cỏ”.
“Trong số 75 trẻ mồ côi, 24 chết. Các quan chức cho biết đó là do bệnh, nhưng đó là vì đói. Họ trở nên quá yếu không thể đi vững. Thi thể của họ được chôn ở sân sau", Kim nói.
Kim đã bỏ trốn, nhưng sau đó bị bắt vì đã làm việc cho bọn buôn lậu qua biên giới với Trung Quốc. Kim đã sống 20 tháng trong một trại cải tạo, nơi mà điều kiện sống không khác gì trại trẻ mồ côi trước đó. "Có 24 người trong chúng tôi phải vào trại cùng một ngày. Chỉ còn hai người sống sót", ông nói.
Ra tù, Kim vượt sông Đồ Môn vào Trung Quốc trong tháng 12/2000 và đến Seoul vào năm sau đó. Giờ đây, ông Kim đang làm việc cho Bộ Thống nhất Hàn Quốc.