Triều Tiên cắt đứt kênh liên lạc cuối cùng với Hoa Kỳ
Washington và Bình Nhưỡng không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, vì vậy đại diện của Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc chính là kênh liên lạc duy nhất giữa hai quốc gia trong nhiều năm nay, đặc biệt là khi thảo luận về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đường dây kết nối ngoại giao này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đàm phán Hiệp định khung 1994, một hòa ước với hy vọng cắt giảm được chương trình hạt nhân Triều Tiên cũng như tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, khi tiến hành đàm phán 6 bên có sự tham gia của Trung Quốc, kênh liên lạc này phần nào bớt “gánh nặng” bởi còn có nhiều cách truyền tải thông điệp khác. Và cho đến hôm nay, theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ cắt bỏ hoàn toàn đường dây liên lạc với Mỹ.
Triều Tiên vừa tuyên bố cắt đứt đường dây liên lạc ngoại giao với Mỹ. |
Biện pháp khiêu khích trước thềm cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ - Hàn này có thể làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng nó sẽ gây khó dễ cho những nỗ lực đàm phán về việc phóng thích hai công dân Mỹ đang bị giam giữ ở Bình Nhưỡng.
Victor Cha, giám đốc khoa nghiên cứu châu Á, ĐH Georgetown, cho Foreign Policy biết: “Việc cắt đường dây ngoại giao trong hoàn cảnh hiện tại có thể khiến các quốc gia liên quan rơi vào xung đột. Quyết định này đặc biệt không tốt cho việc đàm phán để thả những công dân đang bị giam giữ, khi quá trình này cần phải thông qua kênh liên lạc ở Liên Hiệp Quốc”.
Theo hãng thông tấn KCNA, với việc cắt đứt sự kết nối ngoại giao này, tất cả các thỏa thuận của Bình Nhưỡng với Washington sẽ phải tiến hành dưới “luật của thời chiến”. “Hoa Kỳ là nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những việc không hay xảy ra trong quan hệ ngoại giao song phương”, KCNA cho biết.
Trước đây, Triều Tiên từng đề nghị rằng luật thời chiến sẽ loại trừ vấn đề của đàm phán phóng thích tù nhân vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, chắc chắn việc này sẽ kéo dài thời gian thỏa thuận giữa hai bên và gây khó khăn cho việc phóng thích các công dân Mỹ.
Tuần trước, Mỹ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với 10 quan chức Triều Tiên, và lần đầu tiên có tên của lãnh đạo Kim Jong Un vì lý do “lạm dụng nhân quyền”. Lệnh trừng phạt này nhằm vào một loạt tài sản khác nhau, bao gồm cả các loại tài sản theo quy định của luật pháp Mỹ. Các quan chức cấp cao khác cũng nằm trong danh sách nói trên gồm Choe Pu II, người đứng đầu Bộ An ninh nhân dân Triều Tiên; Ri Song Choi, cố vấn Bộ An ninh và Kang Song Nam, giám đốc cục Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên.
Mỹ cũng khiến Bình Nhưỡng tức giận khi cuối tuần trước Washington và Seoul tuyên bố đạt được thỏa thuận triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Hai đồng minh cho hay hệ thống này sẽ giúp tăng cường bảo vệ các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc hoạt động trong khu vực trước hệ thống tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân ngày càng phức tạp của Triều Tiên. Có khoảng 28.500 binh lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Vị trí đặt hệ thống THAAD sẽ được tiết lộ trong năm nay.
Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại) là một tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên. Tạp chí chủ yếu tập trung phân tích các chính sách đối ngoại của nước Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong chính trường Mỹ đã tham gia viết bài cho tạp chí này như Thượng nghị sỹ John McCain, nhà báo từng giành giải Pulitzer Tom Ricks…