Triều Tiên bán công nghệ sản xuất tàu ngầm cho Đài Loan, TQ tìm cách phong tỏa?
Hồi tháng trước, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan thông báo khâu thiết kế chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên của Đài Loan đã hoàn tất và chương trình đóng tàu có thể được triển khai vào đầu những năm 2020.
Tàu ngầm lớp Sang-O của Triều Tiên. |
Nhưng theo Sputnik, người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Yen De-fa nhấn mạnh một số nhà thầu nước ngoài tham gia vào dự án đóng tàu ngầm nội địa đầu tiên của Đài Loan đã rút lui do Trung Quốc gây sức ép.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trở nên căng thẳng kể từ năm 1949. Lâu nay, Trung Quốc cũng chỉ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và vẫn nằm trong lãnh thổ đại lục.
Hồi đầu tháng Một, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Đài Loan từ bỏ ý định giành độc lập và nhấn mạnh tới con đường “hợp nhất trong hòa bình”.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định Đài Loan sẽ “không bao giờ chấp nhận chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’” như chính quyền Bắc Kinh đưa ra.
Trong hàng thập niên qua, Đài Loan đã tìm nhiều cách để phát triển các tàu ngầm chạy diesel nhằm vượt qua được thế phong tỏa của hải quân Trung Quốc. Song do thiếu sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài, Đài Loan vẫn chưa có được công nghệ cũng như kinh nghiệm đóng tàu ngầm.
Ông Yen cho biết thêm quân đội Đài Loan chi trả số tiền khá lớn để duy trì các mối quan hệ với số ít nhà thầu nước ngoài đã đồng thuận tiếp tục gắn bó với chương trình đóng tàu ngầm nội địa của Đài Loan. Theo Asia Times, Đài Loan đã chi khoảng 1,59 tỷ USD cho chương trình đóng tàu ngầm kể từ năm 2016.
Đài Loan hiện nắm trong tay hai tàu ngầm điện – diesel và nằm trong biên chế của lực lượng hải quân. Ngoài ra, hai chiếc tàu ngầm khác được Mỹ sản xuất trong giai đoạn Thế chiến thứ Hai đang được Đài Loan sử dụng cho hoạt động huấn luyện.
Hồi tháng 5/2018, Đài Loan và công ty RH Marine của Hà Lan đã ký kết thỏa thuận để nâng cấp và hiện đại hóa hai chiếc tàu ngầm mà hải quân Đài Loan đang sử dụng. Theo đó, công ty RH Marine có trụ sở ở Rotterdam sẽ cho nâng cấp vỏ và hệ thống định vị trên hai chiếc tàu ngầm của Đài Loan.
Trước đó, chia sẻ với trang tin Up Media của Đài Loan, một nguồn tin cho hay hàng loạt nhà sản xuất tàu ngầm và cung cấp phần mềm từ Mỹ, châu Âu cùng 16 quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tham gia dự án đóng tàu ngầm nội địa đầu tiên của Đài Loan.
Đặc biệt, Triều Tiên cũng nằm trong danh sách các quốc gia trên. Theo đó, quân đội Triều Tiênđược cho đã mời chào sản phẩm quân sự và công nghệ với Đài Loan thông qua một công ty thương mại của Đài Loan. Tuy nhiên, tên của công ty này không được tiết lộ.
Còn theo báo cáo, công ty thương mại Đài Loan được cử làm đại diện cho Triều Tiên nhằm né tránh hàng rào lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế đang áp đặt với chính quyền Bình Nhưỡng. Trong số những sản phẩm công nghệ quân sự mà Triều Tiên giới thiệu với Đài Loan có tàu ngầm lớp Yono, tàu ngầm lớp Yugo, tàu ngầm lớp Sang-O và công nghệ động cơ đẩy độc lập với không khí (AIP) do chính Triều Tiên sản xuất.
Hệ thống AIP được cho có khả năng giúp tàu ngầm duy trì trạng thái hoạt động dưới nước trong vòng 4 tuần. Trong khi đó, những tàu ngầm sử dụng động cơ điện – diesel truyền thông chỉ có thể hoạt động dưới nước trong vài ngày.
Ngoài ra, Up Media cho biết một chuyên gia trong lĩnh vực tàu ngầm làm việc cho quân đội Đài Loan cũng từng có chuyến thị sát cách đây vài năm tới thành phố biên giới Đan Đông nằm giữa Trung Quốc và Triều Tiên để gặp gỡ các quan chức quân sự Triều Tiên.
Còn gần đây trong một cuộc họp báo, một quan chức quân sự Đài Loan cho hay chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên của Đài Loan sẽ không được trang bị hệ thống hiện đại và đắt đỏ AIP. Tuy nhiên, trong tương lai, những chiếc tàu ngầm nội địa khác của Đài Loan sẽ sử dụng hệ thống AIP, quan chức Đài Loan nhấn mạnh.