Triển lãm "xác người" đầy ám ảnh đang gây tranh cãi
Theo ban tổ chức, triển lãm tổng cộng có 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể, trưng bày theo các chủ đề: Hệ sinh sản, hệ cơ, hệ xương, hệ hô hấp, tiêu hóa, hệ tuần hoàn, thần kinh…
Trong vòng hơn một thập kỷ qua, hàng chục cuộc triển lãm đã được tổ chức ở nhiều quốc gia khắp các châu lục trên thế giới. Tuy nhiên, triển lãm cũng gặp phải sự phản đối tại một số nước về phương diện đạo đức.
Cơ thể người được trưng bày tại triển lãm |
Tại Việt Nam, ngay khi triển lãm diễn ra đã có những ý kiến trái chiều. Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm thuộc Bộ VH-TT-DL) trả lời báo Thanh Niên cho biết: Chúng tôi đã xem và thấy nó rất ghê rợn cũng như phản cảm về hiệu ứng thị giác. Vì thế, tôi trả lời triển lãm này không thể trưng bày ở Hà Nội được, trừ khi các anh bày trong trường đại học y khoa, phục vụ cho sinh viên nghiên cứu hoặc xem xét một số vấn đề về giải phẫu. Tôi cũng nói thẳng thắn với họ về việc triển lãm có thể gây cảm giác kinh sợ cho người xem. Họ nói với tôi là loại triển lãm này được nhiều nước cho trưng bày, nhưng tôi cũng biết là nhiều nước đã tẩy chay, như vừa rồi ở Úc người ta đã tẩy chay.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) bày tỏ quan điểm: Mỗi quốc gia, dân tộc có văn hóa, tín ngưỡng khác nhau. Tại sao thế giới nhiều nước bỏ án tử hình, Mỹ cũng chỉ còn vài bang nhưng Việt Nam vẫn có hình thức tử hình. Trong y học sử dụng xác người để nghiên cứu khoa học là chuyện bình thường nhưng đem trưng bày bán vé thu tiền thì lại không thể được. Đây là việc làm vi phạm luật pháp và đạo đức.
"Đúng là việc hiến xác để phục vụ khoa học là 1 việc đáng trân trọng, nhưng chúng ta cần kịch liệt lên án những kẻ đem xác người (cho dù được hiến tặng hoặc không) để kinh doanh, phục vụ mục đích thương mại nhưng lại được che đậy dưới cụm từ là “Vì khoa học” như tuyên bố của Ban tổ chức triển lãm tại TPHCM hoặc lấy lý do “Y khoa tại Việt Nam hiện nay vẫn phải chịu cảnh “học chay” vì thiếu cơ sở vật chất, đặc biệt là thi thể để nghiên cứu, thực hành”.
Họ quảng cáo là triển lãm nhằm cung cấp kiến thức y học, sẽ giúp người tham quan nhận thức được tác hại do bệnh tật và các chất độc hại cơ thể con người… và sẽ dùng tiền ủng hộ trẻ em khuyết tật... chẳng khác gì chiêu trò làm từ thiện của ngành công nghiệp thuốc lá, tấm lợp Amiang, và các công ty hóa chất độc hại đang diễn ở Việt Nam và các nước khác.
Theo ban tổ chức, triển lãm nhằm mục đích cảnh tỉnh người xem về các tác hại do bệnh tật và các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc và cả sinh hoạt không lành mạnh gây ra đối với cơ thể. Toàn bộ mẫu vật thuộc sở hữu của một bảo tàng tại Hàn Quốc, được sản xuất theo công nghệ bảo tồn tử thi plastination (nhựa hóa) của bác sĩ Gunther von Hagens, một người Đức gốc Ba Lan.
Bác sĩ Gunther von Hagens đặt nhà máy chế tạo mẫu vật theo công nghệ plastination đầu tiên ở Liêu Ninh, Trung Quốc năm 1999 để bán sản phẩm cho các trường y khoa trên toàn thế giới.
Theo laodong.vn