“Trêu ngươi” Mỹ, Iran trình làng tên lửa hiện đại mới
Iran đã mở rộng chương trình phát triển tên lửa của mình, cụ thể là các loại tên lửa đạn đạo, mặc cho sự phản đối của Mỹ và sự quan ngại của nhiều nước Châu Âu. Tehran khẳng định rằng chương trình này hoàn toàn có mục đích phòng vệ.
Tên lửa Hoveizeh được trưng bày trước công chúng nhân dịp 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran diễn ra. |
Trong buổi lễ ra mắt tên lửa mới, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami phát biểu rằng: “Loại tên lửa hành trình này không cần nhiều thời gian để chuẩn bị trước khi phóng và có thể bay ở tầm thấp”.
Ông Hatami nói thêm rằng, loại tên lửa này có tên là Hoveizeh, thuộc dòng tên lửa hành trình Soumar mà Iran bắt đầu sử dụng từ năm 2015. Trong khi đó, ông Amirali Hajizadeh, chỉ huy lực lượng không quân của quân đội Iran cho biết nước này đã vượt qua những vấn đề trong việc chế tạo động cơ phản lực của tên lửa và có thể bắt tay sản xuất hàng loạt.
Trang web của Bộ Quốc phòng Iran cũng cho đăng tải một đoạn phim ghi lại cảnh tên lửa Hoveizeh được phóng thử từ một dàn phóng di động. Bộ này cũng dẫn lời ông Hatami rằng tên lửa đã bắn trúng những mục tiêu có khoảng cách 1.200km.
Các chuyên gia phương Tây khẳng định Iran thường phóng đại khả năng của các loại vũ khí của mình, mặc dù nhiều người vẫn lo ngại về các loại tên lửa tầm xa của Iran.
Kể từ khi ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với nhiều quốc gia khác, Iran đã đẩy mạnh chương trình tên lửa của mình mặc cho những cảnh báo từ Mỹ.
Vào tháng 1 vừa qua, Iran đã phóng một vệ tinh vào không gian bằng tên lửa song hoạt động này được cho là đã thất bại. Sự kiện này diễn ra sau khi Mỹ cảnh báo Iran không được thực hiện 3 lần phóng tên lửa mà Washington khẳng định sẽ vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong tương lai.
Nội dung của nghị quyết này yêu cầu Tehran hoãn chương trình tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân trong vòng 8 năm.
Về phần mình, Iran cho biết các cuộc thử nghiệm tên lửa của mình không vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc và phủ nhận rằng tên lửa của họ có thể mang đầu đạn hạt nhân. Iran khẳng định tên lửa mới sẽ có chức năng phòng vệ, ngăn chặn kẻ tấn công từ bên ngoài và đã khước từ các cuộc đàm phán về chương trình tên lửa của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận đã từng được dỡ bỏ đối với Iran.
Washington cho biết mặc dù Iran đã làm theo những nội dung của thỏa thuận, song hiệp ước này quá thuận lợi cho Iran, không kiểm soát chương trình tên lửa đạn đạo của Iran hay ngăn chặn nước này thực hiện những hành động can thiệp vào tình hình chính trị của khu vực quanh họ.