Trẻ nguy kịch vì tai nạn giao thông khi tự điều khiển xe mô tô
Trong đó có nhiều tai nạn thương tâm do chính trẻ em điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.
Bệnh nhi nam giới, tên N.T.H, 14 tuổi, ngụ tại Đồng Nai được đưa lên cấp cứu tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM trong tình trạng chấn thương sọ não nặng.
Theo người nhà của bé, con lớn hơn các bạn và biết đi xe máy từ khi 12, 13 tuổi. Bé vẫn đi lại trong thôn xóm và không đội mũ bảo hiểm. Cả nhà nghĩ đi quanh trong thôn, xã thì không ảnh hưởng gì nên không nhắc nhở con.
Một lần, H. điều khiển xe máy tự đâm vào cột đường dẫn tới tai nạn thương tâm. Đầu xe hỏng hóc còn H. tỉnh táo nên được gia đình đưa về nhà theo dõi.
Vài tiếng sau H. có tình trạng đau nên gia đình đưa đến bệnh viện. Bác sĩ khám lâm sang nhận thấy H. có chấn thương vùng đầu mặt, cẳng tay phải, vào viện với tình trạng tỉnh táo. Kết quả thăm khám ghi nhận xuất huyết ngoài màng cứng trán bên trái lượng ít, gãy xương gò má cùng gãy đầu dưới xương cẳng tay bên phải.
Theo dõi tại bệnh viện hơn 12 giờ, bác sĩ đã chỉ định cho H. được chụp cắt lớp sọ não kiểm tra tình trạng xuất huyết não. Kết quả kiểm tra ghi nhận khối xuất huyết tăng lên rất nhiều dù các triệu chứng của bệnh nhân không tăng thêm so với trước khi nhập viện. Các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu lấy máu tụ ở não cho người bệnh.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em 13 – 14 tuổi bị tai nạn giao thông do tự điều khiển phương tiện mô tô xe máy. Trường hợp của bé trai M.T (14 tuổi, ở Hà Tĩnh). T. chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông nhưng em vẫn lấy xe của bố mẹ đi lại thường xuyên, gia đình trẻ cũng không nhắc nhở. Một lần trong quá trình đi xe máy, T. không may bị đâm vào cột điện bên đường.
Gia đình đưa T. vào viện cấp cứu và chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi nhập viện, T. rơi vào trạng thái nguy hiểm. Bác sĩ cho biết cậu bé bị đa chấn thương đặc biệt là các chấn thương bụng kín. Tạng bị vỡ nhiều như vỡ gan, vỡ thận, chấn thương lách, rách tĩnh mạch chủ dưới, chấn thương phổi, tụ máu ở mắt và có nhiều vết xây xát trên cơ thể.
Ngay sau khi vào viện, bệnh nhân đã được hỗ trợ thở máy, kiểm soát huyết áp, phẫu thuật chấn thương sọ não, chống phù não, chống nhiễm trùng và bổ sung dinh dưỡng.
TS.BS Đặng Ánh Dương – Phó trưởng khoa phụ trách khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trẻ chưa đủ tuổi đi xe máy đã được gia đình cho đi xe máy rất nguy hiểm. Nguy hiểm cho cả trẻ và người tham gia giao thông. Với trẻ em dưới 16 tuổi cha mẹ cần kiểm soát chặt chẽ làm sao để trẻ được ở trong vùng an toàn.
Nhiều lần cấp cứu bệnh nhi bị tai nạn giao thông, TS Dương cho biết đa phần là do lỗi chủ quan của gia đình. Nhiều cha mẹ thấy con biết đi xe máy nghĩ rằng con lớn, điều khiển được xe nên để mặc con.
Trẻ bị tai nạn giao thông hay gặp nhất là các chấn thương vùng đầu như chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn vùng đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu trúc khác bên trong hộp sọ.
Phòng tai nạn giao thông ở trẻ, TS Dương cho rằng cha mẹ cần giáo dục con cái tuyệt đối tuân thủ luật giao thông. Đặc biệt nghiêm cấm con chưa đủ tuổi được phép sử dụng xe gắn máy và phải đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Tất cả các trường hợp tai nạn, đặc biệt có va chạm vào vùng đầu cần được theo dõi cẩn thận và thăm khám tại bệnh viện để được kiểm tra các thương tích, nhất là chức năng thần kinh.
Các dấu hiệu sớm cảnh báo của chấn thương sọ não là đau đầu liên tục sau chấn thương, buồn nôn/nôn, buồn ngủ, ngủ gà. Các dấu hiệu nặng hơn là yếu liệt tay chân, méo miệng, lé mắt, co giật, hôn mê…
Khi trẻ bị tai nạn giao thông, cha mẹ, người xung quanh cần quan sát vết thương toàn thân của trẻ, nếu thấy chảy máu ồ ạt thì cần băng ép cầm máu cho trẻ để tránh sốc mất máu. Liên hệ cấp cứu 115 để được trợ giúp hoặc hướng dẫn băng bó cho trẻ.
Khánh Chi